Ðề: TẦNG III : Làm thế nào để tiết kiệm - bảo toàn vốn - đầu tư tài sản của mình hiệu quả !
Sau những quyết sách chống lạm phát của Chính phủ và NHNN, thị trường tài chính đã có nhiều biến chuyển, nhưng hiện tại vẫn trong tình trạng chưa rõ xu hướng. Các nhà đầu tư hầu như tự vận hành theo kiểu "nước chảy chỗ trũng".
Ghi dấu ấn mạnh nhất trên thị trường tiền tệ từ 24/2 (sau một ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết ổn định kinh tế vĩ mô) đến nay là hiện tượng USD tăng giảm liên tục nhưng xu hướng chung là giảm nhiều hơn tăng. Đến 4/3, sau nhiều phiên điều chỉnh, giá USD mua vào - bán ra trên thị trường tự do còn 21.730 - 21.800 đồng một USD, giảm hơn 700 đồng so với trước đó một tuần.
Từ sau Tết Nguyên Đán trở lại đây, chưa bao giờ USD lại chịu "số phận hẩm hiu" như lúc này. Có những ngày nhà đầu tư chỉ mong "tống khứ" số USD đang giữ, còn các đơn vị thu đổi ngoại tệ "ngoảnh mặt" với mức chênh lệch mua vào - bán ra cao "kỷ lục", từ 150 đến 200 đồng một USD.
Ùn ùn bán USD
Vẫn là sự "nhộn nhịp" nhưng thị trường USD tự do những ngày sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết ổn định kinh tế vĩ mô khác hẳn trước đó, người giao dịch chủ yếu là người mang USD đi bán. Chị Bích Ngọc (quận 1, TP HCM) mang 3.000 USD đi bán ngày 1/3 tại một cửa hàng thu đổi ngoại tệ đường Đồng Khởi, quận 1, chia sẻ: "Dù trước đó mua USD với giá 21.900 đồng một USD, nay bán với giá 21.700 đồng, lỗ to. Nhưng tôi vẫn phải bán, sợ giá còn xuống nữa".
Nhiều người bán USD do sợ giá xuống thấp (ảnh Đất Việt)
Lo sợ giá USD trên thị trường tự do còn tiếp tục giảm, cũng như chị Ngọc, nhiều người dân và nhà đầu tư "có bao nhiêu" đem bán để "cắt lỗ". Chủ tiệm vàng K.D (đường Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình), giải thích: "Giá USD rớt nhanh là vì người ta cứ thi nhau bán, dù các tiệm thu mua đã nới biên độ mua vào - bán ra khá cao, nhưng ngày hôm sau... vẫn lỗ. Thế nên, chúng tôi không dám mua USD nhiều, mối giao dịch quen mới "lấy giùm" cho họ thôi".
Đến 2/3, khi giá USD trên thị trường tự do giảm đáng kể (về mức 21.640 đồng một USD), những người không bán được USD đã tìm hướng khác, đó là tạm thời gửi USD trong các ngân hàng.
Chị Nguyễn Thị Thúy, một khách hàng giao dịch tại ACB (hội sở TP HCM), cho biết: "Tôi mới rút USD ở ngân hàng đem đi bán nhưng các nơi đều từ chối mua. Lỗ thì cũng đã lỗ rồi, nên tạm thời gửi USD ở ngân hàng, lấy lãi 4,35% một năm vậy".
Không biết bỏ tiền vào đâu
Một số người dân bán USD nhưng vẫn băn khoăn không biết nên chọn hướng đầu tư nào cho hợp lý. Anh Hoàng Văn Nguyên (quận Thủ Đức, TP HCM), người vừa "giải tán xong" khoảng 7.000 USD, thổ lộ: "Giữ USD thì sợ rớt giá, nhưng giờ mua vàng cũng lo". Thế nên, ngày 1/3, anh đến một ngân hàng tại quận 3, TP HCM để gửi tiết kiệm.
"Tôi nghe nhiều người nói, lãi suất thực hiện giờ lên 17,18% một năm nên tạm thời có bao nhiêu tôi cứ mang gửi ngân hàng, rồi tính sau".
Không như anh Nguyên, một số người dân trước nay chỉ biết "gửi tiết kiệm" hưởng lãi suất nay cũng "nóng ruột" với tình hình lạm phát. Chị Phạm Thị Thùy Dương (một khách hàng vừa rút tiền gửi từ Techcombank), nói: "Tôi chỉ có một ít tiền nhưng tôi vẫn rút vì lãi suất ở một số nơi 18,19%, gửi tiền còn được tặng vàng. Thời buổi này, như chúng tôi không biết đầu tư gì thì... đầu tư lãi suất".
Bán vàng, bán USD, lấy tiền đồng nhưng với lãi suất trần 14% một năm khiến nhiều người lưỡng lự việc tìm đến ngân hàng. Bên cạnh đó, ở một số ngân hàng thanh khoản VND không được tốt... là những lý do khiến những ngày qua, lãi suất VND bắt đầu "nhún nhảy", một số ngân hàng đẩy lên 17,18%. Để kéo khách hàng về phía mình, với các khách hàng gửi trên 200 triệu đồng, một ngân hàng còn tặng vàng cho khách gửi, với lãi suất 16,5%.
Giám đốc chi nhánh của một ngân hàng TMCP lớn tại đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, thổ lộ: "Không nâng lãi suất lên thì không giữ được khách, không cân bằng được dư nợ và huy động. Giá cả tăng nhanh, không nâng lãi suất lên coi như tự buộc mình vào việc thiếu thanh khoản".
Theo vị này, trong bối cảnh hiện tại, nếu các ngân hàng "nhanh chân, đi trước lãi suất" thì vẫn huy động được VND vì... nhà đầu tư đang rối trí.