Thu nhập dưới 5 triệu đồng có thể được miễn thuế

7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Bộ Tài chính đang hoàn tất phương án miễn giảm thuế thu nhập cá nhân để trình Chính phủ. Nếu được thông qua, các đề xuất này sẽ được trình Quốc hội trong phiên họp vào tháng 7 tới.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính 3 đối tượng sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân, gồm người có thu nhập dưới 5 triệu đồng một tháng và không nuôi người phụ thuộc. Trường hợp thứ 2 được miễn là cá nhân có thu nhập dưới 6,6 triệu đồng và nuôi một người phụ thuộc. Đối tượng thứ 3 được miễn thuế là người có thu nhập dưới 8,2 triệu đồng một tháng và nuôi 2 người phụ thuộc.


Khoảng 250.000 cá nhân được nằm trong diện miễn giảm thuế. Ảnh: Hoàng Hà.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh nói với VnExpress.net, phương án này được Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ trong phiên họp cuối tháng 3 và đã được chấp nhận. Tuy nhiên, do thời gian quá gấp, các đề án thuế này không kịp trình ra Quốc hội mà phải chờ đến kỳ họp diễn ra vào tháng 7 tới.

Trong tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính tính toán, số thuế mà mỗi cá nhân được miễn nộp tối đa là 50.000 đồng một tháng. Và xét mặt bằng thu nhập hiện nay có khoảng 250.000 người nằm trong diện được miễn thuế. Trong đó, khoảng 100.000 tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Như vậy, số người được miễn giảm thuế sẽ chiếm khoảng 36% trên tổng số người làm công ăn lương đang thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân. Dự kiến, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 3.000 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề xuất này không phải là nâng mức khởi điểm tính thuế mà chỉ là biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người làm công ăn lương khi giá cả tăng cao.

"Chúng tôi đang tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện phương án miễn giảm thuế để trình lại Chính phủ xem xét", ông Tuấn nói.

Dự kiến, cuối tháng 4 này, Bộ Tài chính sẽ có cuộc họp giữa các bộ ngành có liên quan để hoàn tất phương án miễn, giảm thuế.

Ngoài việc miễn thuế cho 3 đối tượng có thu nhập dưới 5 triệu đồng, dưới 6,6 triệu đồng và dưới 8,2 triệu đồng, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi một số điểm bất hợp lý trong biểu thuế bậc thang như giãn khoảng cách giữa các bậc thuế. Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị miễn thuế suất 5% đối với cổ tức và miễn thuế 0,1% trên giá trị giao dịch đối với đầu tư chứng khoán.

Theo phân tích của Bộ Tài chính, trong tình hình thị trường chứng khoán ảm đạm như hiện nay thì mức thuế 5% đối với cổ tức là quá cao. Mặt khác, trong khi các nhà đầu tư chứng khoán phải nộp thuế từ tiền cổ tức thì tiền lãi từ việc gửi tiết kiệm (bao gồm gửi tiền đồng, vàng hay ngoại tệ) được miễn thuế thu nhập là không công bằng đối với nhà đầu tư chứng khoán.

Việc chỉnh sửa mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân bắt đầu được nhiều người đóng thuế nghĩ tới từ tháng 11/2010 khi giá cả nhiều mặt hàng có xu hướng nhích dần lên. Tại thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh việc tăng lương tối thiểu lên 830.000 đồng một tháng từ tháng 5/2011, Bộ Tài chính cần đưa ra đề xuất sửa đổi một số quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Theo quy định của Luật hiện hành (có hiệu lực từ năm 2009), người lao động nằm trong diện chịu thuế được giảm trừ tối đa cho mình 4 triệu đồng mỗi tháng và thêm 1,6 triệu đồng cho mỗi cá nhân phụ thuộc (cha mẹ, người tàn tật, vợ hay con nhỏ dưới 18 tuổi…). Phần thu nhập còn lại sau khi trừ các khoản này mới bị tính thuế.

Bộ Tài chính cho rằng mức 4 triệu đồng trên được căn cứ vào chính sách lương đang áp dụng, GDP bình quân trên đầu người, công bố thu nhập và mức chi tiêu bình quân hằng năm. Tại thời điểm xây dựng Luật, mức lương tối thiểu Nhà nước quy định là 450.000 đồng một tháng. Thu nhập bình quân đầu người một năm lấy làm căn cứ xây dựng là 720 USD của năm 2006 và mức 1.000 USD giai đoạn (2009-2010).

(Theo VNexpress)​
Hồng Anh
 
1,904
0
36

291179

Active Member
Ðề: Thu nhập dưới 5 triệu đồng có thể được miễn thuế

Eo với đà trượt giá thế này 5tr ăn thua gì theo em là cứ 20 tr trở lên hãy đánh thuế thu nhập
 
7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Thuế Thu nhập cá nhân

SGTT.VN - Một trong những đặc tính quan trọng giúp cho thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đạt hiệu quả cao là “độ nổi cao”, có nghĩa là khi kinh tế tăng trưởng, thu nhập người dân cao thì nguồn thu thuế cao và ngược lại. Điều này một mặt giúp tăng nguồn thu ngân sách từ thuế TNCN khi kinh tế tăng trưởng nhưng mặt khác, giúp san sẻ gánh nặng cho người dân khi nền kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, lạm phát ở Việt Nam những năm gần đây khiến thu nhập thực của người dân giảm đáng kể trong khi chính sách thuế không thay đổi kịp thời đã làm độ nổi thuế giảm...

4 triệu đồng còn... 3,2 triệu đồng


Mặc dù lạm phát chung của nền kinh tế tăng 25% so với thời điểm 1.1.2009 nhưng các mặt hàng cơ bản đều tăng cao hơn rất nhiều. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giáo dục tăng gần 35%.
Ảnh: Lê Quang Nhật

Theo các nhà làm luật thuế TNCN, mức thu nhập khởi điểm tính thuế 4 triệu đồng được căn cứ vào chính sách tiền lương, GDP trên đầu người hàng năm và mức chi tiêu của đại bộ phận dân chúng theo số liệu của tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế thời điểm xây dựng luật vào năm 2006 khi mà GDP bình quân đầu người của chúng ta là 720 USD và lương cơ bản 450.000 đồng khác biệt rất nhiều với hiện tại.

Mặc dù thời điểm xây dựng luật có dự tính lương cơ bản đến năm 2010 là 650.000 đồng và thu nhập bình quân đầu người là 1.000 USD nhưng lạm phát tăng rất cao từ năm 2006 đến nay rõ ràng đã nằm ngoài dự tính của các nhà làm luật.

Nếu tính từ năm 2006 đến nay lạm phát nước ta đã tăng đến 70%, còn nếu tính từ thời điểm luật thuế TNCN có hiệu lực ngày 1.1.2009 thì lạm phát cũng đã tăng 25%. Điều này cho thấy sự lạc hậu của mức khởi điểm để tính thuế TNCN: mức thu nhập 4 triệu đồng từ thời điểm 1.1.2009 đến nay giá trị thực chỉ còn 3,2 triệu đồng, trong khi đó mức chi tiêu của người dân ngày càng tăng không chỉ do tác động của lạm phát mà còn do nhu cầu tiêu dùng tăng dưới tác động của tăng trưởng kinh tế làm thay đổi thói quen tiêu dùng. Kết hợp hai yếu tố này cho thấy tiết kiệm (hay thặng dư) của người có thu nhập đến mức chịu thuế giảm rất đáng kể. Điều này đồng nghĩa với việc thuế TNCN đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng và tích luỹ của một bộ phận đáng kể người dân.

Miễn giảm thuế tối đa 50.000 đồng/tháng: hợp lý hay không?

Nhận thức được vấn đề này, bộ Tài chính đề xuất ba đối tượng sẽ được miễn thuế TNCN, gồm người có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng hoặc 6,6 triệu đồng (nếu có một người phụ thuộc) hoặc 8,2 triệu đồng (nếu có hai người phụ thuộc). Chính sách miễn giảm thuế TNCN nhằm chia sẻ gánh nặng đối với người nộp thuế trong điều kiện lạm phát hiện nay là chính sách hết sức đúng đắn và kịp thời. Tuy nhiên, mức miễn giảm thuế bao nhiêu mới thực sự là vấn đề quan tâm của người đóng thuế và toàn xã hội, bởi mức miễn giảm này cần đảm bảo nguyên tắc hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội của thuế TNCN.

Nếu căn cứ vào ba đối tượng được miễn giảm thuế, có thể thấy bộ Tài chính đang áp dụng nguyên tắc bù trượt giá đối với thu nhập chịu thuế do lạm phát cho các đối tượng này. Mức chịu thuế tăng từ 4 lên 5 triệu đồng tương đương 25%, bằng mức lạm phát từ 1.1.2009 đến nay. Thoạt nhìn, đây có vẻ là một đề xuất hợp lý. Tuy nhiên, thực tế có một vài vấn đề cần bàn.

Mặc dù lạm phát chung của nền kinh tế tăng 25% so với thời điểm 1.1.2009 nhưng các mặt hàng cơ bản đều tăng cao hơn rất nhiều. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giáo dục tăng gần 35%, giao thông tăng gần 30%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 35%. Đây là các mặt hàng chiếm đến 60 – 70% tổng chi tiêu của người dân. Do đó, để thực sự bù đắp trượt giá cho người nộp thuế TNCN, mức miễn giảm thực tế phải cao hơn mức 5 triệu đồng như đề xuất. Ở khía cạnh khác, nếu nâng mức miễn giảm cho người nộp thuế thì cũng cần nâng mức miễn giảm cho người phụ thuộc nhằm đảm bảo tính công bằng cho người nộp thuế bởi vì rõ ràng mức 1,6 triệu đồng cho một người phụ thuộc là quá thấp so với mức giá chung của nền kinh tế hiện nay.

Nhìn xa hơn, chính sách miễn giảm thuế TNCN nhằm hỗ trợ những người có thu nhập đáng lẽ không phải chịu thuế nhưng đang phải chịu thuế theo luật thuế hiện hành. Tuy nhiên, mục tiêu này có vẻ không đạt được do chính sách đang dựa vào xuất phát điểm vốn không phù hợp mà các nhà làm luật đã căn cứ khi ban hành luật thuế TNCN. Như đã nói ở trên, mức khởi điểm 4 triệu đồng được căn cứ từ năm 2006 không dự liệu mức lạm phát rất cao hiện nay nên khiến mức khởi điểm vốn dĩ không hợp lý càng trở nên lạc hậu trong giai đoạn hiện tại. Để đạt được mục tiêu của chính sách, cần phải xem xét lại mức chịu thuế căn cứ trên thu nhập và chi tiêu thực tế hiện nay của người dân.

Với lượng người nộp thuế TNCN có mức chịu thuế 0 – 5 triệu đồng/tháng (ứng với mức thuế suất 5%) chiếm đến 90% tổng số người nộp thuế TNCN và chỉ chiếm 30% tổng thu từ thuế TNCN, bộ Tài chính có một không gian rất rộng để đưa ra những đề xuất mang lại phúc lợi lớn hơn cho người dân mà không làm ảnh hưởng đến cán cân ngân sách của Nhà nước.

http://sgtt.vn/Goc-nhin/143696/Van-co-the-ho-tro-nhieu-hon-nua.html
 
7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
"Chưa phải lúc sửa thuế thu nhập cá nhân"

http://sgtt.vn/Thoi-su/144305/Chua-phai-luc-sua-thue-thu-nhap-ca-nhan.html

Phó chủ nhiệm uỷ ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Cao Ngọc Xuyên:

"Chưa phải lúc sửa thuế thu nhập cá nhân"

SGTT.VN - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Cao Ngọc Xuyên cho biết Uỷ ban đã thống nhất với bộ Tài chính sẽ sửa một số điểm bất hợp lý tại Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), trong đó có khởi điểm chịu thuế, thu nhập phát sinh... Nhưng, ông cũng cho biết, thời điểm sửa đổi luật sẽ là năm 2012 và được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13, không phải ngay trong năm nay. Sài Gòn Tiếp thị đã phỏng vấn ông Xuyên về vấn đề này.


Theo Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội, thời điểm sửa đổi luật thuế thu nhập cá nhân sẽ là năm 2012. Ảnh minh hoạ: Lê Quang Nhật

Thưa ông, sáng nay 6.5, uỷ ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội có họp với bộ Tài chính về sửa luật thuế TNCN, hai bên bàn về vấn đề gì?

Ông Cao Ngọc Xuyên: Thời gian qua, dư luận có đề cập nhiều đến việc giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống những người làm công ăn lương. Do vậy, Uỷ ban chúng tôi đã chủ động mời bộ Tài chính lên làm việc để trao đổi thêm về một số vấn đề liên quan, đồng thời đưa ra định hướng sẽ chỉnh sửa trong thời gian tới. Quan điểm của Uỷ ban là cũng nên xem xét chỉnh sửa. Tuy nhiên, việc sửa Luật cần phải thực hiện vào năm 2012 theo đúng kế hoạch chứ chưa phải bây giờ.

Hiện nay, điều mà đông đảo người dân quan tâm là các phương án miễn giảm thuế TNCN, Uỷ ban và bộ Tài chính có quan điểm gì về vấn đề này ?

Chúng tôi đồng ý với đề xuất của bộ Tài chính về việc sửa đổi luật Thuế TNCN ở 4 khía cạnh, gồm xem xét lại một số khoản thu nhập phát sinh mới; điều tiết lại thuế đối với các hoạt động lao động không thường xuyên; xem xét giãn khoảng cách giữa các bậc thuế và cân nhắc lại mức khởi điểm chịu thuế. Còn buổi làm việc này, chúng tôi không đặt vấn đề xây dựng phương án miễn giảm thuế. Luật Thuế TNCN mới được thực thi trong 2 năm và vẫn phù hợp với thực tiễn và chưa nên sửa đổi vào lúc này. Quan điểm của tôi và đa số các thành viên trong Uỷ ban là tình hình hiện nay khó khăn là khó khăn chung liên quan đến cả người dân và nhà nước. Do vậy, những người nộp thuế cá nhân cần chia sẻ. Nếu miễn giảm thuế, ngân sách Nhà nước sẽ gặp khó khăn...

Nếu xét theo phương án miễn giảm thuế mà bộ Tài chính tính đến, mức tối thiểu mà mỗi cá nhân được giảm dự kiến chỉ khoảng 50.000 đồng còn mức tối đa cũng không quá 250.000 đồng một tháng. Như vậy, khoản hỗ trợ này là quá nhỏ với cá nhân người nộp thuế nhưng ngân sách Nhà nước lại bị ảnh hưởng đáng kể. Mức giảm như vậy chỉ giải quyết về mặt tinh thần. Tôi cho rằng, bối cảnh hiện nay chưa cấp bách đến mức phải sửa thuế TNCN.

Lãnh đạo bộ Tài chính từng đưa ra quan điểm là sẽ phân loại một số đối tượng để miễn, giảm thuế sao cho hỗ trợ đúng, trúng đối tượng gặp khó khăn, ông nghĩ sao về quan điểm này?

Tôi cho rằng điều này rất khó thực hiện. Nguyên tắc của thuế là bình đẳng và công bằng, không nên phân biệt đối xử người nộp ít, người nộp nhiều. Không thể nói anh cao thì không được giảm, anh thấp thì được miễn, như vậy là không công bằng. Đã gọi là thuế thì ai nằm trong diện điều chỉnh đều phải thực hiện.

Như vậy, việc miễn giảm thuế trong năm nay là khó, vậy sang năm 2012, chúng ta sẽ nghiên cứu sửa đổi những gì, thưa ông?

Chúng tôi sẽ xem xét nhiều khía cạnh gồm các khoản thu nhập mới phát sinh mà Luật chưa điều tiết. Bên cạnh đó, khung thuế suất cũng sẽ được xem xét theo hướng nới rộng khoảng cách giữa các mức thuế. Mức khởi điểm chịu thuế cũng sẽ là một yếu tố cần xem xét chỉnh sửa.

Ngoài ra, một trong những điểm mà bộ Tài chính cho rằng chưa thực sự hợp lý như những hợp đồng lao động không thường xuyên, gồm thu nhập một tháng hơn 4 triệu đồng nhưng tổng thu nhập không vượt quá 48 triệu đồng một năm. Về nguyên tắc chưa bị điều tiết thuế nhưng chủ thuê lao động vẫn khấu trừ để đóng thuế. Bộ Tài chính nói cần phải sửa điểm này.

Nguyễn Hà
 
Top