Xem chim ở VQG Xuân Thủy và du lịch cộng đồng Giao Xuân-Giao Thủy

10,149
29
48

ALnML

Super Moderator
Xem chim ở VQG Xuân Thủy và du lịch cộng đồng Giao Xuân-Giao Thủy
10 Tháng Giêng 2014 lúc 0:27
Mình tình nguyện làm “mõ làng” vụ viết và post note này lên FB, với mong muốn (i) chia sẻ thông tin cho các bố mẹ thầy cô cần tìm các điểm du lịch giáo dục môi trường cho con; (ii) ủng hộ những người dân làm du lịch cộng đồng có thêm thu nhập; (iii) ủng hộ những cán bộ làm bảo tồn và giáo dục môi trường

Chương trình 2 ngày 1 đêm – thông tin chung
Chương trình 2 ngày 1 đêm là đủ để trải nghiệm việc tham quan khu rừng sú vẹt ven cửa sông Thái Bình, xem chim ở VQG Xuân Thủy, biết qui trình làm nước mắm, chế biến sứa, thưởng thức món ngao ngay tại trại nuôi, cùng sinh hoạt với người dân vùng quê (ở homestay), và còn được biết làng trồng cây cảnh truyền thống nhiều đời hay bảo tàng Đồng quê tư nhân mới thành lập trên đường di chuyển xuống Xuân Thủy, Nam Định.

Hành trình cụ thể (đã rút kinh nghiệm từ 2 đoàn minh tham gia chuẩn bị cho nhóm học sinh lớp 6 con mình, và cho nhóm gia đình các bạn học phổ thông của mình, tức là nhóm mix người lớn trẻ con, mix cả về sở thích và thói quen ăn ngủ)

Ngày 1: 7h30 xuất phát từ Hà Nội - ghé thăm Làng Cây cảnh Vị Khê – đến được VQG lúc 12h00.
Ăn trưa và nghỉ một chút – 2:30 chiều lên thuyền/tàu đi ra vùng cửa sông và ra bãi xem chim – 5h30 tàu quay trở về VQG, lên otô di chuyển sang Giao Xuân – gặp các bác chủ nhà homestay ở Ecolife và chia nhau đi về nhà nghỉ. Sau 30-45 phút nghỉ ngơi thay đồ, quay lại quán Ecolife ăn tối và cùng tham gia giao lưu với đội văn nghệ cộng đồng. 10h00 tối quay về các gia đình chủ nhà homestay để ngủ.

Ngày 2: 6h-8h tập trung ăn sáng ở Ecolife. Lên xe otô ra cảng cá tham quan. Di chuyển vào thăm nhà Bổi (nhà cổ lợp bằng cói) – nhà làm nước mắm – cơ sở chế biến sứa. Sau đó ra trại nuôi ngao Dung – Cửu, thưởng thức ngao luộc ngay tại cánh đồng nuôi ngao. Nhưng ăn nếm thôi nhé, đừng thấy ngon ăn nhiều thì bữa trưa không còn bụng thưởng thức các món khác vào bữa trưa, cũng ở ngoài chòi canh ngao, ngoài cánh đồng.
1h30 chiều kết thúc bữa trưa và di chuyển về Hà Nội. Trên đường về ghé bảo tàng Đồng Quê. Về đến Hà Nội khoảng 6h chiều.

Phương tiện và thiết bị cần
- Nếu đi đoàn đông cũng chỉ nên đi xe tối đa 29 chỗ, vì đoạn gần VQG có những chỗ cua đường hẹp. Đi theo gia đình thì xe gầm cao đi cũng “sướng” hơn xe 4 chỗ như taxi thành phố
- Nên đặt trước tàu ra cửa sông với phòng du lịch VQG hoặc qua cty lữ hành. Yêu cầu trên tàu có áo phao.
- Cty lữ hành và VQG có hợp tác tổ chức các chuyến xem chim sẽ chuẩn bị ống nhòm chuyên dụng
- Mũ, giày đi bộ chịu nước được là đồ cá nhân phải chuẩn bị

Ăn gì và ăn ở đâu
- VQG có thể tổ chức nấu ăn cho đoàn được, nhưng nếu so sánh thì ở Ecolife nấu ngon hơn J (mong các bạn VQG tiếp nhận như ý kiến xây dựng nhé!)
- Đồ biển là phổ biến nhưng nếu có cháu kiêng đồ biển thì vẫn có thể đặt các món từ thịt lợn và gà. Giò ở đó làm rất ngon, và không độn bột “điêu” như nhiều hàng trên thành phố. Ngao thì có quanh năm, còn các loại hải sản khác mùa nào thức ấy nhé. Cá, mực sứa, các loại ốc, con móng tay. Có món tôm đồng rang nhà Ecolife làm rất ngon.
- Đặc biệt ấn tượng món cháo ngao và xôi(với ruốc hoặc giò) cho bữa sáng ở Ecolife. Tụi trẻ con cấp 2 dọn đồ lên là ăn rào rào, vèo cái hết luôn, không thấy cháu nào ỏe họe như ở nhà.

Ngủ ở đâu – tiện nghi như thế nào?
- Mình thích kiểu homestay vì trẻ con bây giờ không mấy đứa được trải nghiệm kiểu nhà nông thôn. Những hộ dân tham gia Hợp tác xã đã được MCD đào tạo cho làm du lịch cộng đồng, họ biết nấu ăn và biết giữ nhà, WC sạch sẽ.

Mọi người có thể tự đi theo Note này. Nếu muốn nhờ người tổ chức có thể liên hệ:
Bùi Xuân Trường
Hiệp hội Các Vườn quốc gia và Khu Bảo tồn
Email: truonggacon@gmail.com

Thông tin tóm tắt một số điểm đến thăm quan
Vườn quốc gia Xuân Thủy: Khu bảo tồn đất ngập nước đầu tiên của Viêt Nam. Mùa có nhiều chim và thời tiết đẹp để đi là tháng 11 và tháng 3. Tại VQG thì được ra cửa Ba Lạt, …”nơi con sông Hồng chảy về với biển” ấy; rồi được thấy trạm hải đăng, xem rừng sú vẹt…. Hỏi anh gu-gờ hoặc vào đây http://vuonquocgiaxuanthuy.org.vn/ để biết thêm thông tin.
Làng cây cảnh Vị Khê (huyện Nam Trực): một làng nghề truyền thống có tuổi nghề trên 800 năm. Thời phong kiến làng cây cảnh Vị Khê đã nổi tiếng gần xa. Vào triều Trần, làng đã trở thành nơi cung cấp hoa, cây cảnh cho các vương công quý tộc. Vị Khê là quê hương của nhiều giống hoa như bạch đào, phong lan, địa lan, bạch trà, hồng trà, đỗ quyên, hải đường…
Bảo tàng đồng quê (Giao Thuỷ, Nam Định): Bảo tàng có diện tích 5.000m2 bao gồm 5 khu nhà tiêu biểu cho vùng đồng quê Bắc Bộ. Đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên của Nam Định. Người lập bảo tàng này là vợ chồng bà Ngô Thị Khiếu. Đến đây được thấy các kiểu nhà nông thôn Việt Nam. Tụi trẻ không khoái lắm nhưng từ thế hệ như mình và các ông bà thì rất thích vì thấy mọi thứ quen thuộc, từ cái bếp củi, chỗ nẫu rượu, đến cái nhà lợp mái rạ. Thích nhất được ăn các món bánh quê làm từ nguyên liệu gia đình bà Khiếu tự trồng như bánh nếp, bánh gai. Đang lúc đói ghé vào ăn bánh uống nước vối, cảm giác rất là phê. Google tên cô Khiếu có nhiều bài báo lắm, tả chi tiết luôn về bảo tàng này. Đi khám phá trước về đọc báo sau, thú vị hơn.
Bến cá Giao Hải: nên ra đây sáng sớm sẽ thấy cảnh các đoàn tàu cá vào bờ sau chuyến đi biển đêm. Nếu đi tháng 3 là mùa sứa sẽ thấy cảnh vận chuyển sứa từ dưới thuyền, lên bến và chuyển qua bờ đê, vào làng để chế biến. Ngay tại gần bến cá đã có thể vào làng xin phép chủ mấy cơ sở chế biến họ cho xem hết cả qui trình từ lúc cắt tách chân sứa với thân mình ra, quay ly tâm, cắt nhỏ, phơi, đóng gói…. ra sao. Sau đó sang nhà ngay bên cạnh xem qui trình làm nước mắm. Bác chủ nhà sẽ giải thích từng công đoạn làm nước mắm. Các mẹ đi cùng được bữa thu hoạch mua nước mắm về nhà, bác chủ nhà luôn có can sạch phục vụ khách du lịch kịp thời.
Cũng ở đây có thể thăm quan được nhà bổi. Cả làng còn vài cái nhà như thế thôi vì giờ ngoài biển có trồng cói nữa đâu mà có nguyên liệu lợp mái.
Chương trình giao lưu ở Giao Thủy – tối homestay ở đây. Lúc đầu các mẹ rất phân vân có nên “đặt” chương trình hát chèo và giao lưu văn nghệ vào chương trình đi này không vì sợ lũ trẻ thời công nghệ không thích chương trình hát chèo. Sau rồi Ban tổ chức cũng quyết định “ép” các con thêm chương trình này với phương châm “không bổ nhiều thì cũng bổ ít”. Thế mà cuối cùng thì chương trình thành công mỹ mãn. Các bác nông dân sáng làm ruộng tối phục trang thành nghệ sĩ biểu diễn hết mình, tụi trẻ vỗ tay thưởng thức, bố mẹ tất nhiên vỗ tay to hơn. Sau đó các bác chơi nhạc cho các cô và các con lên giao lưu. Các bạn nam hát rap đến lượt các bác nông dân-nghệ sĩ vỗ tay. Nghe nói trong nhóm các bác có một bác bị ung thư, cuộc sống tính theo tháng, nhưng bác biểu diễn rất là tâm huyết. Mặc dù tiền bồi dưỡng các bác nông dân-nghê sĩ đã nằm trong giá tour, tức là cty du lịch sẽ trả tiền các bác, nhưng mà đoàn mình cũng có một số tiền nho nhỏ biếu riêng các bác ấy để mua trang phục, son phấn biểu diễn.

Copy từ FB bạn Phượng của LG
 
50
0
0

me Tun

New Member
Ðề: Xem chim ở VQG Xuân Thủy và du lịch cộng đồng Giao Xuân-Giao Thủy

Chị ơi, CSTT mình tổ chức cho các con tham gia đi ạ.
 
Top