Ðề: Làm thế nào để tiết kiệm - bảo toàn vốn- đầu tư tài sản của mình hiệu quả
Thời điểm phù hợp điều chỉnh tỷ giá
PGS- TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, đây là thời điểm phù hợp để điều chỉnh tỷ giá.
Đó là cách tốt nhất để chúng ta chấm dứt tình trạng hai tỷ giá USD/VND, chấm dứt việc mua bán chui giữa ngân hàng và doanh nghiệp để kiểm soát tốt thị trường hơn.
Đầu cơ, làm giá
Theo ông, đợt sốt lãi suất tuần qua sâu xa là do đâu?
Để xảy ra việc tăng lãi suất vừa rồi của Techcombank (lãi suất huy động 17%) đến từ chuyện lợi ích cá nhân của Techcombank. Nhưng nó cũng là dấu hiệu cho thấy, có hiện tượng một số ngân hàng có thể tính thanh khoản yếu và đây là cơ hội để lãi suất “bùng” lên.
Nhưng nhìn chung, lượng tiền hiện nay không thiếu, thậm chí dồi dào, hiện tượng khan hiếm chủ yếu do nó chảy từ bên này qua bên kia. Thị trường chứng khoán phiên cuối tuần vừa rồi giá trị giao dịch trên 3.500 tỷ đồng, chứng tỏ tiền trong dân cũng rất dồi dào.
Nói về hệ thống ngân hàng hiện tại, nó giống như “lượng máu trong cơ thể là dồi dào nhưng hệ thống mạch máu có nhiều chỗ bị tắc, hoặc có những chỗ bị làm giá”. Trong khi lãi suất là giá cả của tiền tệ. Giá cả chỉ lên do lạm phát (tạm gọi là giá thành của lãi suất) cho nên khi lạm phát lên thì lãi suất lên (tạm gọi là giá thành), thì yếu tố thứ hai là có hiện tượng đầu cơ làm giá.
Những ông nào đầu cơ làm giá? Thì chính là những ông đang có nhiều hàng. Họ đầu cơ làm giá để giá lên và tung tiền ra. Khi làm việc đó, họ không nghĩ rằng nó sẽ gây tác động cho những ngân hàng khác. Cho nên cách làm tốt nhất là phải xử phạt nghiêm minh những ngân hàng đầu cơ làm giá.
Hiện chính các ngân hàng đồng thuận về mức lãi suất (thông qua hiệp hội) nhưng sau đó một số ngân hàng lại tự phá vỡ. Có phải vì thiếu một cơ chế giám sát và xử lý nghiêm, đủ để các ngân hàng phải sợ?
Thực ra đồng thuận đã là một cơ chế giám sát rồi. Tuy nhiên, các thành viên ngân hàng khỏe, yếu rất khác nhau, nên dù đã đồng thuận nhưng cũng không thực hiện được. Trong khi đó, Hiệp hội ngân hàng lại không có quyền xử phạt, cũng không dám tước quyền hội viên... Vì vậy các thoả thuận đó không có nhiều ý nghĩa.
Bởi vậy, khi đã đồng thuận, giả sử như với mức lãi suất 14%/năm như hiện nay thì ngân hàng Trung ương cũng xác định phải can thiệp được ngay khi thị trường cần với lãi suất 14%/năm. Nó giống như mặt hàng bình ổn vậy. Muốn giữ được giá thì phải có một lượng hàng đủ mạnh và phải đủ lực.
Cần giảm lãi suất
Với lãi suất cho vay như hiện nay, sẽ gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp. Ông có lời tư vấn nào cho giới kinh doanh tại thời điểm này?
Mấy hôm trước, anh Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Cty CP gạch Đồng Tâm gọi điện hỏi tôi tình hình lãi suất như vầy là sao hả anh. Rồi một vài tổ chức, tham tán kinh tế Pháp cũng gọi điện hỏi về tình hình kinh tế…
Tôi khẳng định với doanh nghiệp là chủ trương của NHNN vẫn là làm thế nào để đáp ứng vốn cho doanh nghiệp sản xuất.
Lãi suất hiện nay là do yếu tố lạm phát đẩy lên. Để kiềm chế lạm phát thì phải hy sinh lợi ích của nhiều người, nhiều bộ phận (trong đó có cả doanh nghiệp) để trả cho chi phí chung. Nhưng để nó cao bất thường thế này là điều bất hợp lý, không được phép.
NHNN nên vào cuộc để kiềm chế lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh về mức có thể chấp nhận được, khoảng 15-16%/năm.
Còn vay tiêu dùng 20-21% là hợp lý vì trong điều kiện hiện nay thì dân mình nên tiết kiệm; mà lãi suất vay tiêu dùng cao thì sẽ tiết kiệm nhiều hơn, từ đó góp phần kiểm soát nhập siêu.
Liên quan đến tỷ giá, cá nhân ông từng kiến nghị điều chỉnh biên độ. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc thời điểm?
Tôi sẽ trao đổi với Thống đốc NHNN, đồng thời đề xuất với Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia về quan điểm điều chỉnh tỷ giá thêm giữa VND/USD, bên cạnh giảm biên độ mua bán từ +- 3% xuống còn 1%.
Thực ra, đó cũng là cách tốt nhất để chúng ta chấm dứt tình trạng hai tỷ giá, chấm dứt việc mua bán chui giữa ngân hàng và doanh nghiệp và công khai để kiểm soát tốt thị trường hơn.
Còn về thời điểm, hiện tại trước nguồn cung ngoại tệ đang dồi dào, kiều hối về nhiều, tôi cho rằng việc điều chỉnh sẽ không hề gây sốc hay ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Theo Khánh Huyền
Tiền Phong