Ðề: Sơn La : Sốp cộp 'không quần áo'
Giáo viên "cắm bản"
Ở vùng núi phía Bắc, để trẻ em biết chữ người thầy phải mang lớp học đến tận các thôn bản. Dù ở trên những đỉnh núi cao lạnh giá, những thôn bản heo hút giữa rừng núi đá vôi, những nơi không có đường, điện, nước nhưng vẫn phải có điểm trường.
Ở Mù Căng Chải (Yên Bái), Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), Mường Tè, Sìn Hồ (Lai Châu)..., những con chữ nhọc nhằn đã đến với trẻ em vùng cao bằng cả tấm lòng của người thầy “cắm bản”.
Kỳ 1: Trên đỉnh non cao
TT - Qua 22km đường đèo dốc cheo leo giữa một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút để đến điểm trường xa nhất của Trường tiểu học Nậm Có, huyện Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái), chúng tôi đi mãi vẫn thấy đường ở trên đầu, bờ vực gần đến mong manh.
Trường học trên rẻo cao ở Mù Cang Chải - Ảnh: Hà Huơng
Lớp học trong ngôi nhà nát - Ảnh: Hà Hương Còn ở Xín Mần (Hà Giang) nơi phát tích của con sông Chảy, có những điểm trường ở trên độ cao gần 2.000m, đi qua gần 40 khúc cua chữ chi, những người đi bộ nhanh nhất cũng phải mất cả ngày mới đến nơi. Hầu như ai đứng ở điểm xuất phát này cũng ít nhất một lần nghĩ đến chuyện quay về. Nhưng với thầy cô giáo mang chữ lên những đỉnh núi cao của Mù Căng Chải, đó mới chỉ là thử thách đầu tiên.
Không đường, không điện, thiếu nước
Đồng hành cùng chúng tôi lên điểm Trường Lùng Cúng, Phình Ngài, thầy giáo Phùng Sáng hồi tưởng những ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, khoác balô theo ông trưởng bản đi bộ ròng rã, gần hết ngày trời để đến nơi nhận lớp học, đi mãi mà vẫn ở giữa rừng núi mênh mông.
Quãng đường đến các điểm trường ở Lùng Cúng, Phình Ngài, Đá Đen, Làng Giàng (Nậm Có) hay Hú Chù Lìn, Háng Gàng (Lao Chải - Mù Căng Chải) cũng là thách thức của bất cứ ai lần đầu đến. Thế nhưng các thầy cô giáo “cắm bản” thường là người miền xuôi đầu tiên đặt chân đến các thôn bản không đường, không điện và thiếu nước.
Với 11 điểm trường, Nậm Có là xã có nhiều điểm trường lẻ nhất ở Mù Căng Chải. Đồng bào người Mông ở rải rác trên những đỉnh núi cao nhất. Nếu không mang được lớp học đến tận nơi, có nghĩa ở đó con trẻ thất học, mù chữ. Hơn một năm nay, từ trung tâm Nậm Có về bản đã có đường do người dân tự mở nhưng chỉ rộng chưa đầy 1m, có nơi hẹp hơn, men theo các triền núi dựng đứng. Rủi ro, nguy hiểm có mặt ở mọi cung đường, nhất là đối với những người cả gan đi xe máy.
Thầy giáo Nguyễn Quốc Toàn ở điểm Trường Lùng Cúng chỉ cho chúng tôi những đoạn đường các thầy từng bị lạc tay lái rơi xe xuống vực, những đoạn dốc bất ngờ đứt thắng. Ngã rồi dậy đi, các thầy phải lấy xích xe hỏng quấn vào bánh xe để xe đi bám đường, tránh trơn trượt. Gian khổ là vậy nhưng họ vẫn phải thay phiên nhau để giữ cho tiếng kẻng vào học đều đặn vang lên trên đỉnh non cao.
Đường lên Xéo Dì Hồ, Lao Chải (Mù Căng Chải) cheo leo, lắt lẻo trên những sườn núi, giữa bạt ngàn ruộng bậc thang và những cánh rừng sơn tra, thảo quả. Các thầy giáo ở Lao Chải nói vui với chúng tôi: “Đứng dưới chân núi thấy người dân mổ lợn kêu eng éc, nhưng đi được lên đến nơi thì họ đã ăn xong, cất bát đũa mất rồi!”.
Chúng tôi đến vào đầu mùa khô, thời điểm lý tưởng cho việc đi lại, nhưng cũng phải mất vài giờ để đi được chục cây số. Các cô giáo không dám cầm tay lái thì cuốc bộ còn vất vả hơn. Mùa mưa, chỉ cần một trận mưa đổ xuống, các điểm trường có thể bị chia cắt hoàn toàn. Hết đồ ăn dự trữ, các thầy cô cắm bản phải tự xoay xở sống cầm chừng trong tình trạng không điện, không sóng điện thoại.
Ở Lùng Cúng, Phình Ngài cũng vậy, tranh thủ ngày nắng ráo, mỗi tháng 1-2 lần các thầy giáo phải chia nhau xuống núi để mang lên tất cả những gì có thể phục vụ nhu cầu sống tối thiểu như mắm muối, lạc, cá khô, quan trọng nhất là thuốc chữa bệnh. Thế nhưng vẫn có những tuần bị sốt hay đau bụng cấp nằm trơ trọi trên đỉnh núi cao mà không thể nhờ ai giúp đỡ.
Đón chúng tôi ở Lùng Cúng vào đúng bữa ăn trưa, các thầy phải chia nhau vào bản lo mua gạo, thức ăn. Bữa cơm đạm bạc trên núi làm chúng tôi rưng rưng khi được biết các thầy phải ăn dè vài mẩu cá khô, ít lạc khô trong hàng tuần liền.
Hai lớp học ghép trong một phòng ở Xéo Dì Hồ, Lao Chải (Mù Căng Chải, Yên Bái). Nắng chiếu qua vách và mái nhà xuống trang sách các em - Ảnh: Hà Hương
Thầy giáo Nguyễn Quốc Toàn đang dạy học dạy học ở điểm trường Lùng Cúng, Mù Cang Chải - Ảnh: Hà Hương Mùa đông khắc nghiệt
Ai đã từng sống trên những đỉnh cao nhất ở Mù Căng Chải mới có thể nếm trải hết cái khắc nghiệt của mùa đông trên đỉnh núi cao. Gió lùa qua khe ván mỏng, còn cái lạnh thì cứa vào da thịt. Giữa tháng 11, khi ở Hà Nội nhiều nhà phải bật điều hòa chống nóng thì ở Mù Căng Chải, chỉ sau 15g chiều cái lạnh thấu xương kèm sương muối khiến người ta chỉ muốn chui sâu vào chăn ấm. Những điểm trường nằm giữa những vạt núi lộng gió càng trở nên mong manh với những bức vách gỗ thưa thớt trống huếch trống hoác.
Thầy giáo Bùi Văn Quân, một mình trụ tại điểm Trường Phình Ngài, chỉ cho chúng tôi chiếc kẻng vừa để gọi học sinh mỗi sáng, vừa để nung nóng sưởi ấm vào ban đêm. Nếu như tiếng kẻng làm ấm lòng những người Mông trên đỉnh núi mỗi sáng thì chiếc kẻng là thứ sưởi ấm cho thầy giáo trong suốt mùa đông giá lạnh.
Nhiều ngày mùa đông tuyết rơi, nước đóng băng. Thầy Nguyễn Viết Hải ở Lùng Cúng kể với chúng tôi: có lần giặt xong chiếc áo, treo lên dây rồi đi vào bản, vài giờ sau quay lại nước trên áo đã đóng đá vì lạnh. Ở Lùng Cúng, Phình Ngài, Đá Đen nước đóng băng qua đêm là chuyện thường. Sáng sớm, đun được một ấm nước sôi phải mất hơn tiếng đồng hồ.
Tại Đồng Văn (Hà Giang), các thầy cô giáo có thêm một nỗi khổ là thiếu nước. Mới tháng 11 nhưng đã thiếu nước. Mỗi thầy cô phải sắm một cái can 10-20 lít để trữ nước. Một năm có đến 4-5 tháng trên trời không một giọt mưa, dưới là núi đá. Nếu không nhờ được dân, ngày nghỉ các cô giáo phải đi bộ hàng chục giờ tìm nơi lấy nước, rồi lại quầy quả vượt núi trở lại nơi dạy học...
Theo chân các thầy, cô giáo đi lấy nước từ sáng sớm, chúng tôi không thể tưởng tượng nổi làm sao họ có thể sống giữa thế giới của đá để duy trì lớp học. Phải 4-5 giờ đi bộ, chờ hứng từng giọt nước rỉ ra trong hốc núi, mất vài giờ chờ đợi nữa mới hứng được vài lít nước. Nước chỉ đủ ăn, không giặt, không tắm gội.
Có những cô giáo khi được triệu tập về trường chính ở trung tâm xã hội họp đã không dám về vì “cả chục ngày chưa được tắm do thiếu nước, không dám ngồi cạnh ai”.
VĨNH HÀ - HÀ HƯƠNG
____________________
Sống trong môi trường khắc nghiệt, các thầy cô giáo “cắm bản” còn phải vượt qua những khó khăn lớn hơn khi vợ chồng, con cái phải luôn cách xa.
Kỳ tới: Hạnh phúc nhọc nhằn
====================================================================
Ý kiến bạn đọc
* Đọc bài này tôi thật sự rất bất ngờ. Bất ngờ vì những con người bình thường đang làm nên những điều kỳ diệu. Thật không thể tin được những khó khăn mà các thầy cô “cắm bản” đang phải trải qua. Tôi rất cảm phục cái tâm nghề nghiệp của các thầy các cô.
Gần tới 20/11 rồi, chắc món quà vật chất mà học sinh mang tặng thầy cô là những bông hoa rừng. Chúc các thầy cô luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục cống hiến.
N.M.T.
* Đọc bài này tôi thấy thương các thầy cô giáo "cắm bản" quá. Thật cảm động khi họ đã "cắm bản" ở đó bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm.
Họ "bám trụ" ở đó vì lý do gì? Tôi nghĩ không có lý do nào khác ngoài việc chung thủy với nghề của mình, cho dẫu khó khăn.
Hãy cám ơn những thầy cô giáo chịu gian khổ đó, vì có họ mà trẻ em ở đây mới có được ánh sáng văn hóa.
THỦY TIÊN (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế)
* Tôi làmột người Việt đang sống ở nước ngoài. Tôi thật cảm phục những thầy cô giáo ấy. Rất mong được làm quen với những con người yêu nghề như vậy.
long.bang@...
* Thật kính phục trước những gì mà thầy cô giáo đã mang đến cho các em nhỏ ở vùng cao. Cùng với trách nhiệm và sự nhiệt huyết của mình, các thầy cô giáo đã mang những con chữ để đến được với vùng cao xa xôi, thế mới biết sự bền bỉ và trách nhiệm nhường nào khi mang ánh sáng cho mầm non mai sau.
Thiết nghĩ Nhà nước nên có chính sách thật cụ thể để thầy cô giáo có thể đứng vững được nơi vùng cao xa xôi đó (chính sách lương, phụ cấp...), đối với thầy cô giáo đã lập gia đình ở miền xuôi thì đó là sự xa cách với báo nỗi nhớ, nếu độc thân thì biết bao giờ mới tìm được cho mình tình yêu!
Cuộc sống vật chất ở đây thật khiêm tốn, ở đây chỉ có tấm lòng, hoài bão là rộng lớn...
TRAN QUOC ANH
* Đọc bài tôi thấy cảm động quá. Tôi đã từng đi đến các bản xa xôi ở các huyện miền núi: Mường Lát, Quan Hóa (Thanh Hóa), huyện miền núi biên giới A Lưới (Thừa Thiên - Huế) chứng kiến chứng kiến cảnh nhiều thầy cô “cắm bản” để dạy học trò miền núi. Nhiều giáo viên miền xuôi tình nguyện về vùng sâu, vùng xa dạy học, có người đã mấy chục năm vẫn ở lại đó. Rồi họ kết duyên, sinh con tại đó. Các thầy cô đã khắc phục mọi khó khăn để bám lớp, gieo chữ cho học trò nghèo.
Ở xã Phú Sơn (huyện miền núi Quan Hóa, Thanh Hóa), giáo viên trường Tiểu học Phú Sơn gặp muôn vàn khó khăn như không điện, không có nước sạch, không giao lưu buôn bán... nhưng vẫn một lòng bám bản, hi sinh vì sự nghiệp giáo dục miền núi. Các thầy cô khắc phục sự thiếu điện bằng cách sáng chế ra tuốc bin, chắn dòng suối để lấy điện. Muốn có nước sạch phải xách thùng vượt núi chừng 2km lấy nước khe, nước suối về dùng. Tập thể giáo viên xin chính quyền địa phương cấp cho ít đất đồi núi để trồng trọt, chăn nuôi tăng gia sản xuất.
Có chuyện giáo viên tích cóp tiền lương rồi cất trong tủ vì chẳng biết mua bán gì. Cuối tuần, thầy cô lại vượt đò qua sông Mã, lên ngã ba Co Lương, huyện Mai Châu (Hòa Bình) để mua lương thực thực phẩm. Nhọc nhằn, khó khăn là thế nhưng các thầy cô đã không bị lung lay, vẫn một lòng cắm bản, bám lớp.
NGUYÊN BÌNH
* Những điều thầy cô giáo "cắm bản" đã làm khiến tôi khâm phục vô cùng. Thầy cô đã nhận được gì sau những cố gắng nổ lực như vậy? Còn điều gì đáng trân trọng hơn thế? Thầy cô là những anh hùng luôn hy sinh lặng lẽ để nuôi dưỡng cho tương lai cả một thế hệ. Xin cảm ơn thầy cô.
N.T.D.
* Bên cạnh cuộc sống xô bồ bon chen nơi phồn hoa đô thị thì vẫn còn đâu đâu đó những con người từ bỏ những vinh hoa phú quý và cuộc sống an nhàn để đến với những “miền đất khổ”, đó là những thầy cô “cắm bản”. Có lẽ tấm lòng họ đẹp hơn bất cứ thứ gì trên đời và trong sáng tinh khôi như những bông hoa núi rừng Tây Bắc. Thầy cô “cắm bản”, những người đã, đang và sẽ tiếp tục đưa cái chữ tới những vùng xa xôi của Tổ quốc. Tôi thật sự biết ơn những tấm lòng cao cả, những người hết lòng vì công việc và điều quan trọng hơn là họ đang cống hiến trong những điều kiện hết sức nghiệt ngã.
Đọc bài này đột nhiên tôi nhớ tới câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…”. Nhưng ở đây những con người này không quản khó khăn gian khổ để tình nguyện hiến dâng sức trẻ. Tôi thật sự khâm phục! Chúng tôi, thế hệ trẻ của đất nước sẽ phải nhìn lại mình khi đọc qua bài báo này. Trước giờ chúng tôi chỉ lo sợ rằng sau khi ra trường sẽ bị đẩy về một vùng nào đó không được như mong muốn và rồi lại tìm cách chen chân vào những nơi có điều kiện thuận lợi hơn. Vậy những khó khăn đó rồi ai sẽ gánh? Rất mong Tuổi Trẻ tạo thành một diễn đàn để ủng hộ và tiếp sức cho những con người đang ngày đêm âm thầm cống hiến, những ông Bụt cô Tiên giữa đời thường.
Chúc các thầy cô sức khỏe dồi dào và công tác tốt. Xin ghi ơn các thầy cô “cắm bản”.
NGUYỄN MẬU TRƯỜNG
* Tôi đã từng sống ở những vùng quê khi vào mùa đông trời rét như cắt da xẻ thịt và thấm vào tận xương tủy. Đọc bài viết này, tôi cảm phục thầy cô "cắm bản" rất nhiều. Tấm lòng chung thủy với nghề người thầy thật cao quý làm sao. Tâm hồn quảng đại và hy sinh của thầy cô thật đáng trân trọng biếy mấy.
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi xin được gửi tới quý thầy cô lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
NGÔ VĂN PHƯƠNG
* Bản thân tôi cũng là một thầy giáo, tôi thấy thật sự cảm phục trước những hi sinh của các thầy cô ở vùng này, những người đã chịu bao gian khổ chỉ với một mục đích cao đẹp của người thầy giáo là mang chữ đến cho các em ở vùng xa.
Tôi xin chúc các thầy cô và các em mạnh khỏe, cố gắng vượt qua được những khó khăn hiện tại để dạy và học tốt.
HOANG
* Tôi cũng là giáo viên, đã từng công tác tại vùng đặt biệt khó khăn của huyện Nam Giang, Quảng Nam. Đọc bài viết này tôi không khỏi xúc động vì những khó khăn nơi đó.
Là nhà giáo khi xác định nhận nhiệm vụ vùng khó khăn là chấpnhận hy sinh, song niềm vui nào bằng khi hằng ngày nhìn thấy các em học sinh ngây thơ nô đùa.
Một mùa 20/11 nữa lại, về chúc đồng nghiệp tôi nơi ấy vững vàng là người giáo viên nhân dân.
TRƯƠNG MINH TÚ
* Tôi cũng đã từng dạy học nơi núi rừng nên khá thấu hiểu cảnh nhọc nhằn của thầy và trò. Có những thầy cô từ miền xuôi lên miền núi, lúc đầu mong muốn “hết hạn” trở về quê, nhưng rồi lại gắn cuộc đời với quê hương mới để dạy chữ cho con em đồng bào các dân tộc. Những tình cảm đó thật khó lòng diễn tả bằng những ngôn từ.
Sự hy sinh của các thầy cô giáo nơi núi rừng heo hút thật là lớn lao, với bao thiệt thòi! Cái khó nhất mà thầy cô gặp phải là học sinh miền núi còn rất nhiều em không thích học, cho nên việc tiếp cận, động viên học sinh và phụ huynh để con em họ tới trường là cả một vấn đề lớn. Như đi lại khó khăn, vật chất thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt…
Thiết nghĩ, chúng ta cần có một chính sách ưu tiên và đầu tư hơn nữa cho giáo dục miền núi thì mới cải thiện được đáng kể cho mục tiêu giáo dục tốt đẹp của nước nhà.
THÁI HÀ
* Tôi đang ngồi trong phòng điều hòa mà viết những dòng này gửi đến các thầy cô giáo miền xa thì thấy xấu hổ với các thầy cô quá. Sắp đến ngày 20/11 rồi, tôi chỉ có tấm lòng và lời chúc đến các thầy cô “cắm bản”, chúc các thầy cô ấm áp hơn trong mùa đông.
VĂN TRUNG
* Đọc xong bài phóng sự này tôi cảm thấy mình thật xấu hổ vì trong cuộc sống hàng ngày có đôi lúc tôi không vui vì mình chưa có một chiếc xe gắn máy xịn, một chiếc điện thoại di động đắt tiền... Một sự khập khiễng quá lớn về vật chất nếu đem so sánh với các thầy cô mà phóng sự đề cập. Cảm ơn Tuổi Trẻ đã dạy tôi thêm một bài học về cách làm người.
hmhieu1979@...
* Tôi đã từng sống và làm việc ở miền núi Tây Bắc trong vài năm, đã có dịp đi đến những địa danh nên trong bài báo và tận mắt chứng kiến cuộc sống của người giáo viên ở vùng cao nên tôi có thể hiểu được bài viết trên chỉ kể được phần nào những khó nhọc, gian truân mà các thầy cô ở các bản làng miền ngược gặp phải.
Điều tôi cảm kích nhất là những gian khổ đó không làm nản lòng các thầy, các cô. Xin cảm ơn người viết bài này đã đưa được câu chữ mô tả rất thật, những hình ảnh sống động nhất về sự hy sinh vô bờ bến của các thầy các cô đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đưa kiến thức đến với tất cả mọi người, đặc biệt là những vùng xa xôi hẻo lánh. Đấy cũng là một cách để mọi người biết được rằng vẫn còn nhiều gian khó trong điều kiện đất nước phát triển ở thế kỷ 21 này để mọi người có thể có được những việc làm thiết thực hơn cùng chia xẻ phần nào những gian khó của các thầy các cô.
Tôi chắc rằng ở đâu đó trên đất nước ta vẫn còn rất nhiều những tấm gương của các thầy, các cô hy sinh vì sự nghiệp giáo dục như bài báo đã nêu. Kính chúc các thầy cô có nhiều sức khỏe, giữ vững niềm tin để đem đến ánh sáng văn hóa cho tất cả mọi người, trên mọi nẻo đường đất nước.
H.LAN
* Những thầy cô giáo “cắm bản” quên đi hạnh phúc của bản thân mình, họ hi sinh tất cả cho các em. Thử hỏi nếu không phải vì lòng yêu nghề, sự hi sinh vô bờ bến thì có ai trụ nổi qua một mùa đông rét mướt ở nơi đây? Nhưng ngoài những lời động viên, chúng ta cần lắm những việc làm cụ thể, và hơn cả là một chính sách nhất quán, ưu đãi cho những con người theo nghề giáo có tấm lòng cao quý như họ.
NGÔ LAN QUỲNH
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=348253&ChannelID=89