Ðề: (MS139/TT) 03.2013 - Xây dựng mái trường cho các em học sinh Trường Tiểu học Nà Lốc (xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn)
Chung tay xóa “lớp học há mồm”
(VOV) - Chỉ nằm cách Hà Nội 170km nhưng trường tiểu học Nà Lốc trong tình trạng tồi tàn đến mức khó tưởng tượng nếu không tận mắt nhìn thấy
Trường nằm tại thôn Nà Đông của xã Tú Xuyên huyện Văn Quan tỉnh Lạng Sơn. Nà Đông là một thôn đặc biệt khó khăn của xã vùng 2, cách trung tâm huyện khoảng 9 km (6 km đường nhựa, 3 km đường dốc quanh sườn đồi).
Trường gồm 1 điểm trường chính và điểm trường Bản Mù. Trường chính có 2 dãy nhà, điểm trường Bản Mù có 4 phòng học tạm. Toàn trường có 12 lớp học trong đó chỉ có 1 phòng là phòng học bán kiên cố được xây dựng từ năm 2001, nay cũng đã xuống cấp. Số phòng còn lại đều là các phòng tạm, khung bằng tre gỗ, vách trát bùn, nền đất ẩm ướt về mùa đông và bụi về mùa hè.
|
Vách tường dọa đổ bất cứ lúc nào |
Tất cả những phòng học ở đây chỉ rộng chừng hơn 20m2 và chỉ đủ chỗ cho khoảng 15 em học sinh. Do đã được sử dụng quá 20 năm nên các lớp học đều hư hỏng nặng, vách đất nứt vỡ bung bét, để lộ khung vách tiều tụy. Các thầy cô giáo trong trường đã phải dùng những cột tre gỗ để chống tường, bởi nó có thể đổ sập xuống các em học sinh bất cứ lúc nào. Đặc là những ngày bất ngờ mưa, gió hoặc thời tiết xấu, điều đầu tiên các thày cô phải làm là sơ tán học sinh nhằm tránh nguy hiểm.
Không phải vô cớ mà các lớp học ở đây được gọi bằng cái tên buồn cười là “lớp học há mồm”, bởi phòng học nào nhìn cũng như miệng của những con thú đang há hốc. Những làn gió luồn lách qua lỗ hổng trên vách đất khiến chúng tôi ái ngại khi hình dung ra cảnh lớp học vào trời mưa gió hay mùa lạnh. Các thày cô cho biết, mùa lạnh, lũ trẻ tím tái chân tay, run bần bật vì bốn bề lớp học trống hoác. Gió lạnh, mưa lùa thốc tháo khiến cho nhiều em run tay không cầm nổi bút.
|
Vẫn thi đua dạy tốt, học tốt |
|
Vẫn cố gắng tạo cảnh quan môi trường giáo dục, dù còn rất nghèo nàn |
Ánh sáng để đảm bảo cho việc học tập không đủ, vì ở đây chưa có điện lưới quốc gia. Nhiều lớp học thiếu sáng. Những ngày mưa hay những buổi chiều đông, lớp học tối sầm, nhà trường phải khắc phục bằng cách tháo đi vài hàng ngói trên mái để thay bằng tấm lợp nhựa trong. Nhà công vụ cho giáo viên thì chưa có, hiệu trưởng và các thầy cô giáo đều phải làm việc chung trong một phòng chật hẹp. Đồ dùng dạy học cùng giường ngủ của bảo vệ... tất cả gói gọn trong một phòng, khiến cho không gian thư giãn, nghỉ ngơi sau mỗi giờ lên lớp của thầy cô càng trở nên chật hẹp hơn.
Trưởng Phòng Giáo dục huyện có giải thích lý do trường Nà Lốc chưa được xây kiên cố theo chương trình 135, là do xã Tú Xuyên chỉ là xã vùng 2 mà xã vùng 3 mới được hưởng chính sách này.
Do địa hình đồi núi, học sinh thường đi bộ theo đường mòn đến trường. Đường núi chênh vênh, cát bụi mịt mù. Giáo viên vào trường dạy học tuy đã có thể đi xe máy vì đường đã được mở rộng, nhưng vào những ngày mưa thì con đường sẽ sình lầy bùn đất và trơn trượt vô cùng, họ phải quấn dây xích vào bánh xe mới đảm bảo cho việc đi lại được an toàn.Con đường này cũng mới được làm 4 năm nay, những tháng năm cũ để vào được trường dạy học cho các con, thầy cô giáo ngoài đi xe máy trên dưới 10km còn phải lội suối hoặc đi bộ thì mới vào được đến trường.
Tại 2 phân trường có tất cả 2 lớp mầm non và 6 lớp tiểu học
. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nên nhiều cha mẹ học sinh chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em mình. Năm học 2012 - 2013, nhà trường có tổng số 12 lớp với 130 học sinh (69 học sinh tiểu học, 61 cháu mẫu giáo). 100% học sinh của trường là người dân tộc Nùng, Tày; cha mẹ các em là người dân tộc, sống bằng nghề nông, quanh năm lam lũ vất vả. Học phí có 20.000 đồng/tháng nhưng các thầy cô giáo, lãnh đạo huyện, xã cùng các tổ chức thôn bản cũng phải đến từng nhà vận động, thúc đẩy thì các bạn nhỏ mới được hoặc mới chịu đến trường. Vậy mà một cơ sở vật chất như thế này, việc học lại càng trở nên gian nan vất vả hơn.
Cô Nguyễn Thị Kiều, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ ngày thành lập đến nay, trường vẫn chưa có sự thay đổi, chỉ dừng lại ở việc tu sửa trong những tháng mà học sinh nghỉ hè nhằm đảm bảo có lớp học vào đầu năm học mới. Mong muốn của toàn thể cán bộ giáo viên cùng học sinh nơi đây là sớm được đầu tư xây dựng trường mới, kiên cố, để thầy và trò nhà trường sớm có được trường lớp khang trang, đảm bảo đầy đủ các điều kiện cho việc dạy và học”.
Mới đây, nhóm thiện nguyện Chia sẻ tình thương (Hà Nội) đã đến thăm trường, và quyết định kêu gọi các thành viên trong nhóm, các cá nhân hảo tâm cùng quyên góp để xây lớp học kiên cố cho trường tiểu học Nà Lốc. Tuy nhiên, nhóm chỉ gồm những ông bố bà mẹ cũng có con nhỏ và có lòng yêu trẻ, chứ hầu như cũng không có “đại gia” hay vị “Mạnh Thường Quân” nào nên việc xây dựng trường đang được xúc tiến bằng từng viên gạch góp được.
|
Các thành viên nhóm Chia sẻ tình thương lên thăm trường |
|
Các em học sinh có một buổi sinh hoạt với nhiều trò chơi vui nhộn |
|
Được ăn bánh, kẹo, kem... nhứng món quà hiếm hoi ở nơi này |
Sự quan tâm chia sẻ này của nhóm khiến các thày cô giáo rất cảm động và hy vọng một ngày kia, thày và trò sẽ được ngồi học trong những lớp học kiên cố, không còn lo mưa nắng thất thường…/.
Hương Loan, Cẩm Tú
chiasetinhthuong.org
http://vov.vn/Xa-hoi/Giao-duc/Chung-tay-xoa-lop-hoc-ha-mom/256327.vov