Ðề: TẦNG III : Làm thế nào để tiết kiệm - bảo toàn vốn - đầu tư tài sản của mình hiệu quả !
Không để tỉ giá tăng mãi
Thị trường vàng trong và ngoài nước liên thông cũng là tiền đề cho việc ổn định tỉ giá, cả trước mắt và lâu dài.
Theo kế hoạch, Chính phủ sẽ nghe nhà khoa học, chuyên gia góp ý về giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô. PGS-TS Trần Hoàng Ngân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết sẽ đề xuất phải có biện pháp mạnh để cắt đà tăng tỉ giá và lãi suất.
Vì sao ông cho là cần ưu tiên ổn định ngay tỉ giá?
- Cứ mỗi ngày vàng và USD lại có mức giá mới đã gây áp lực rất lớn lên người dân, doanh nghiệp và điều đó đã phản ánh vào giá cả hàng hóa, đe dọa lạm phát. Không thể mãi kéo dài tình trạng này. Muốn ổn định vĩ mô có nhiều việc phải làm nhưng phải bắt đầu từ ổn định tỉ giá để củng cố lòng tin.
Cần lưu ý chúng ta cũng như các nước đang chịu sức ép lạm phát do giá hàng hóa trên thế giới tăng. Việt Nam còn chịu sức ép lạm phát từ bên trong mà nguyên nhân do tỉ giá tăng cao, thứ gì liên quan đến ngoại tệ cũng tăng. Nếu không ổn định tỉ giá thì khó kềm được lạm phát.
Ba năm qua, chúng ta liên tục tăng tỉ giá nhưng nhập siêu vẫn cứ tăng, nhà xuất khẩu vẫn khó do chi phí đầu vào là nguyên nhiên liệu nhập khẩu tăng theo. Trong khi đó, VND mất giá, lòng tin vào VND giảm sút, hậu quả lớn nhất là lạm phát liên tục tăng cao, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, tạo ra vòng luẩn quẩn, giá tăng, lạm phát, lãi suất cao...
Vừa qua chúng ta đã cho tăng mạnh tỉ giá nhưng vẫn không xóa được nạn hai tỉ giá. Vì vậy, Chính phủ nên có thông điệp rõ ràng: ổn định tỉ giá, không phá giá VND theo từng đợt như đã làm mà thường xuyên điều chỉnh linh hoạt, có lên có xuống để xóa bỏ kỳ vọng găm giữ USD chờ tăng giá. Có cơ sở để tuyên bố như thế vì chúng ta không thiếu USD, chỉ thiếu do nạn găm giữ.
Song song đó, Ngân hàng Nhà nước cần áp dụng nhiều biện pháp kinh tế và những chính sách đột phá để khai thông thị trường ngoại hối.
Cần giảm ngay lãi suất USD vì để ở mức cao càng khuyến khích giữ USD. Nên giảm tỉ lệ trạng thái ngoại hối của các ngân hàng, khi đó ngân hàng có ngay vài trăm triệu USD để bán cho Ngân hàng Nhà nước nhằm can thiệp thị trường, dập tắt các ý định đầu cơ găm giữ USD...
Chúng ta còn một giải pháp quyết liệt hơn đó là buộc tập trung
nguồn ngoại tệ vào một đầu mối, khi cần thiết có thể áp dụng với một số đối tượng đang nắm giữ USD. Hiện nay nguồn ngoại tệ nằm phân tán, mỗi doanh nghiệp giữ một ít để phòng thủ hoặc chờ giá lên làm thị trường khan hiếm.
Tuy nhiên, nếu khéo léo vận dụng các chính sách, chúng ta sẽ dập tắt được cơn sốt tăng tỉ giá mà không cần dùng đến liều thuốc mạnh này.
Khi kìm cương được tỉ giá sẽ là viên gạch đầu tiên để giảm lãi suất và lạm phát.
Nhà quản lý nói phải dùng lãi suất để chống lạm phát, có nghĩa là lãi suất chỉ giảm khi lạm phát dịu lại, ông có đồng tình với quan điểm điều hành này?
Theo tôi, do áp dụng nhiều biện pháp nên lạm phát năm 2011 có thể không quá 10% thì việc duy trì lãi suất huy động trên 15%/năm và cho vay 17-20%/năm là quá cao. Lãi suất huy động 12%/năm và cho vay khoảng 15%/năm là phù hợp.
Việc giảm lãi suất phải được thực hiện song song với việc ổn định được tỉ giá chứ không thể chờ đến khi lạm phát giảm.
Nếu duy trì lãi suất cao, không khéo chúng ta lại tạo ra vòng luẩn quẩn mới với lạm phát bởi lẽ doanh nghiệp không đầu tư sản xuất kinh doanh do lãi suất cao dẫn đến thiếu hàng hóa, phải tăng nhập khẩu cho tiêu dùng lại gây sức ép lên tỉ giá...
Liệu có ổn định được tỉ giá khi thị trường vàng vẫn bị chi phối bởi hoạt động nhập lậu?
Khi đã dùng biện pháp mạnh để ổn định tỉ giá thì giá USD trong hệ thống ngân hàng sẽ dần thoát khỏi sự dẫn dắt của giá USD tại thị trường tự do, vốn bị dẫn dắt bởi hoạt động nhập lậu vàng.
Tuy vậy, cần phải xúc tiến nhanh đề án quản lý thị trường vàng và khai thác vốn vàng trong dân theo hướng tạo sự liên thông giữa giá vàng trong nước và thế giới để giảm dần hoạt động nhập lậu.
Thị trường vàng trong và ngoài nước liên thông cũng là tiền đề cho việc ổn định tỉ giá, cả trước mắt và lâu dài.
Theo T.TU
Tuổi trẻ