Ðề: TẦNG III : Làm thế nào để tiết kiệm - bảo toàn vốn - đầu tư tài sản của mình hiệu quả !
Thế giới điều chỉnh tiêu dùng thời tăng giá
Giá thực phẩm và xăng dầu tăng cao trên khắp thế giới, buộc người dân các nước phải tự xoay xở bằng cách điều chỉnh thói quen và hành vi tiêu dùng.
Tiết kiệm đang là thượng sách ở nhiều quốc gia.
Giá xăng dầu tăng cao khắp thế giới do giá dầu thô đang ở ngưỡng 100 USD/thùng. Tại Mỹ, giá xăng tuần trước đã tăng thêm 4% lên 3,29 USD/gallon (3,785 lít). Theo Ngân hàng Thế giới, giá lương thực đã tăng qua đỉnh năm 2008, đạt mức kỷ lục mới. Tại châu Á, lạm phát tăng vọt, ở Trung Quốc 5%, Ấn Độ 8%...
Tiết kiệm là thượng sách
Người dân khắp nơi đang phải thắt lưng buộc bụng để chống chọi với tình trạng giá cả tăng cao. Đối với một giáo viên trung học có mức lương không cao như anh Robert Wagner, người Colorado (Mỹ), cách duy nhất là giảm chi. “Gia đình tôi, gồm vợ và hai con, sẽ phải giảm số lượng các bữa tối bên ngoài - Wagner cho biết - Cách tốt nhất là nấu ăn ở nhà sẽ tiết kiệm tiền thực phẩm hơn. Chúng tôi cũng sẽ hạn chế ra rạp xem phim hằng tuần. Chỉ có cách đó thôi”.
Đây cũng là cách của nhiều người dân ở Thiên Tân, Trung Quốc như ông Zhao Zongya. “Khi giá tăng thì giải pháp duy nhất là mua ít đi hoặc ngừng hẳn không mua những thứ không cần thiết” - ông Zhao cho biết. Mới vài tháng trước đây, ông chỉ phải chi 800 nhân dân tệ (120 USD) mỗi tháng để mua thức ăn, nhưng giờ phải chi tới 1.100 nhân dân tệ (165 USD). Giá trứng và táo đã tăng gấp đôi thời gian gần đây, do đó gia đình ông mua ít trứng hơn và ngừng ăn táo. Ông thường đi mua sắm trước khi chợ đóng cửa để có thể mua thức ăn với giá rẻ hơn, bởi người bán thường muốn bán rẻ cho hết. Hoặc ông vào siêu thị buổi sáng sớm để có thể tìm thực phẩm còn sót lại từ hôm trước với giá rẻ hơn. Không ít người quen của ông cũng chọn cách này.
Ở Cairo, Ai Cập, gia đình chị Manju cũng phải hi sinh nhiều món ăn khoái khẩu để tiết kiệm tiền. Chị mua ít hành hơn, mua nhiều rau xanh hơn và không mua thịt bò. “Chúng tôi chả có đủ tiền mà ăn thịt bò, ăn cá rẻ hơn - chị Manju cho biết - Khi có nhiều tiền hơn một chút thì tôi mua thịt gà”...
Ở Mỹ, nhiều người dân cũng giảm bớt mua sắm và tiết kiệm hơn.. Theo khảo sát của trang lovemoney.com, nhiều gia đình ở Mỹ thường xuyên săn lùng hàng giá rẻ ở các siêu thị, chợ và bán những đồ thừa thãi trong nhà trên trang eBay.
Đổi của để dành lấy tiền mặt
Ở Bồ Đào Nha, khủng hoảng tài chính và việc chính phủ cắt giảm lương của nhân viên nhà nước đã đẩy người dân vào một cơn sốt bán của để dành như vàng và đồ trang sức để có tiền mặt chi trả các chi phí thường ngày. Từ thủ đô Lisbon cho đến thành phố miền bắc Porto, hoạt động giao dịch đổi vàng và đồ trang sức bằng vàng lấy đồng euro trở nên cực kỳ sôi động. Apphich ghi dòng chữ “Mua vàng cũ trả tiền mặt” xuất hiện nhan nhản ở các góc phố và trung tâm mua sắm.
Ông chủ tiệm vàng Luis Araujo, 51 tuổi, ở trung tâm thành phố Lisbon, cho biết: “Mọi người liên tục đến và hỏi bán đồ trang sức. Tôi cân và ra giá. Phần lớn đều chấp nhận”. Mức giá ông Araujo đưa ra rất đa dạng, từ 20 euro (27 USD) một chiếc nhẫn vàng cho đến 1.000 euro (1.360 USD) với loại trang sức quý hiếm. “Mọi người đều muốn bán vì nhiều lý do, người thì cần tiền để mua sắm dịp năm mới, người thì phải trang trải cho đám cưới của con trai. Một số cứ mỗi tháng lại đến bán vàng một lần chỉ để trả tiền thuê nhà”.
Ông Luiz Pereira, giám đốc Công ty vàng bạc Ourinvest, cho biết trước khủng hoảng, người Bồ Đào Nha rất thích mua đồ trang sức vàng. Thế nhưng khi phải trải qua một thời kỳ khó khăn, bán vàng và đồ trang sức là cách dễ dàng nhất để có tiền. Ông Pereira cho biết nhiều chủ doanh nghiệp cũng phải bán đồ đạc quý giá để có tiền trả lương cho nhân viên và tái đầu tư. Theo số liệu của Ourinvest, các công ty mua vàng lãi từ 1,5-2 euro (2-2,7 USD) với mỗi gram vàng sau khi nung chảy đồ trang sức, đúc lại thành thỏi và bán ra thị trường quốc tế.
Trung Quốc đưa ra ba chính sách để an dân
Trong suốt hai giờ trò chuyện trực tuyến với người dân Trung Quốc vào ngày 27-2, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cam kết ưu tiên hàng đầu của chính phủ không phải là tăng trưởng mà là chống lạm phát.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng tưởng GDP năm 2011-2015 là 7%, tăng thu nhập cho nhóm người dân thu nhập thấp, kiểm soát chặt chẽ thu nhập bất chính và lên kế hoạch xây 36 triệu nhà giá thấp cho người thu nhập thấp trong vòng năm năm tới. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức hơn 8% trong suốt sáu năm liên tiếp, tuy nhiên ông Ôn Gia Bảo cho biết việc giá lương thực và nhà đất tăng vọt đã “ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và sự ổn định xã hội”. Vì thế, điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế sẽ giúp “tăng chất lượng và hiệu suất của tăng trưởng”, đồng thời bảo vệ môi trường.
“Chúng ta không thể hi sinh môi trường vì mục tiêu tăng trưởng và sản xuất vô tội vạ như trước đây. Điều đó sẽ làm kiệt quệ môi trường - tài nguyên và dẫn đến phát triển không bền vững” - Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời thủ tướng Trung Quốc.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra ba chính sách trọng tâm nhằm duy trì ổn định xã hội: thu hẹp khoảng cách thu nhập, đảm bảo lợi ích và cơ hội bình đẳng cho người dân vùng sâu vùng xa và ngăn chặn tham nhũng.
“Chính phủ sẽ đảm bảo rằng các khoản thu nhập người dân theo kịp với tăng trưởng kinh tế và mức tăng lương phải theo kịp mức tăng năng suất. Phân bổ tiền lương công bằng sẽ là một nhiệm vụ lớn đối với chính phủ trong năm năm tới” - ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh. Ông khẳng định sẽ đưa ra nhiều chính sách đảm bảo công ăn việc làm, giáo dục, dịch vụ y tế và phúc lợi xã hội cho người dân ở nông thôn, đặc biệt 240 triệu nông dân làm công nhân tại các thành phố, nhằm chấm dứt sự phân biệt giữa nông thôn và thành thị. Ông cam kết rằng chính phủ sẽ không khoan hồng cho các quan chức tham nhũng và kêu gọi mọi người dân cùng chính phủ đấu tranh chống tham nhũng.
Theo Duy Phúc, Sơn Hà
Nguồn
Tuổi trẻ/ AFP, China Daily, Washington Post, Guardian