Ðề: TẦNG III : Làm thế nào để tiết kiệm - bảo toàn vốn - đầu tư tài sản của mình hiệu quả !
Thông tư 07: Thiết lập nền tảng cho sự thống trị của đồng nội tệ
Thông tư 07 đụng chạm đến sự nhạy cảm của thị trường: cơ chế mua bán thay thế cơ chế vay mượn ngoại tệ.
Đúng như đã thông báo trước đó trong lộ trình áp dụng cơ chế điều hành ngoại hối mới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 07/2011/TT-NHNN về cho vay ngoại tệ đối với khách hàng vay là người cư trú. Thông tư có hiệu lực từ 9-5-2011.
Thoạt nhìn, văn bản này hầu như không có gì mới so với quy định cũ, song một điểm nhấn của nó lại đụng chạm đến sự nhạy cảm của thị trường: cơ chế mua bán thay thế cơ chế vay mượn ngoại tệ.
Thoáng và chặt
Theo Thông tư 07, có hai đối tượng được vay ngoại tệ. Thứ nhất nhà nhập khẩu được vay để thanh toán ra nước ngoài, nhưng phải có nguồn trả nợ từ sản xuất kinh doanh hoặc được người cho vay hay ngân hàng khác bán cho ngoại tệ để trả nợ. Việc mua được ngoại tệ để trả nợ phải được cam kết bằng văn bản.
Đây là một điều kiện khắc nghiệt đối với cả doanh nghiệp và ngân hàng. Nó thông thoáng ở chỗ quy định không cấm đơn vị nhập khẩu vay, nhưng chặt ở chỗ vay là có điều kiện. Nhà nhập khẩu chỉ có nguồn thu ngoại tệ trong trường hợp tạm nhập tái xuất.
Với tổ chức tín dụng, cho doanh nghiệp vay là đi kèm cam kết bán ngoại tệ để trả nợ vào ngày đáo hạn. Bên cho vay phải cùng lo trả nợ với bên vay.
Như vậy, khi cho vay ngân hàng không chỉ nhìn vào nguồn vốn huy động ngoại tệ, mà còn phải cân đối nguồn ngoại tệ thương mại hiện tại và tương lai. Để tránh rủi ro, cả hai bên có thể tính đến phương án mua bán tỷ giá kỳ hạn.
Giả sử doanh nghiệp A vay 10 triệu đô la Mỹ kỳ hạn ba tháng, họ sẽ mua ngoại tệ kỳ hạn ba tháng để đảm bảo với bên vay là có nguồn trả nợ. Còn nếu không, ngân hàng phải đi mua 10 triệu đô la Mỹ kỳ hạn 3 tháng để đảm bảo có nguồn bán cho doanh nghiệp khi khoản vay đến hạn. Chặt chẽ thế, tốt nhất chuyển sang mua - bán đô la Mỹ cho xong, đỡ phức tạp.
Đối tượng được vay ngoại tệ thứ hai là nhà xuất khẩu. Khi vay doanh nghiệp xuất phải cam kết bán ngoại tệ vay được cho ngân hàng với tỷ giá giao ngay. Cam kết này biến quan hệ tín dụng thành quan hệ thương mại. Nói cách khác vay - cho vay ngoại tệ là cái vỏ, cái ruột là mua bán ngoại tệ.
Vẫn ưu tiên tỷ giá? Không loại trừ khả năng NHNN tạm ngừng mua ngoại tệ khi tỷ giá liên ngân hàng lên cao để thu hút các nhà xuất khẩu bán ngoại tệ nhiều hơn trên thị trường này thay vì trên thị trường tự do.
Có thể nhận thấy sự khác biệt cơ bản của cơ chế điều hành ngoại hối đang được thực thi là đích đến xóa bỏ dần tín dụng ngoại tệ, thiết lập nền tảng cho sự thống trị của đồng nội tệ trong nền kinh tế.
Các quy định mới đang cho thấy quyết sách chung không chỉ gạt bỏ những vướng mắc tạm thời, mà là xây con đường chung cho các chủ thể đi qua.
Việc mua được ngoại tệ để đưa vào dự trữ vừa qua minh chứng sự đúng đắn bước đầu của chính sách.
Không phải ngẫu nhiên mà thống đốc NHNN, trong các phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội, cho biết cán cân thanh toán tổng thể năm nay có thể thặng dư 2 tỉ đô la Mỹ nếu nhập siêu tăng dưới 16% so với năm ngoái. Tuy nhiên sự lạc quan của người đứng đầu ngành ngân hàng có vẻ hơi sớm.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu quí 1-2011 ước đạt 22,27 tỉ đô la Mỹ, tăng tới 23,8% so với cùng kỳ, cao hơn hẳn kỳ vọng dưới 16% của NHNN.
Với tỷ giá, sự thận trọng không bao giờ thừa. Quyết sách đúng là quan trọng, nhưng điều kiện tiên quyết phải là thời điểm và liều lượng “tung ra” quyết sách ấy. Giới quan sát bắt đầu hoài nghi khi tỷ giá liên ngân hàng tuần trước đột ngột tăng và liên tục đứng ở mức cao trên 21.000 đồng/đô la Mỹ suốt tuần sau khi tỷ giá kỳ hạn được đề cập trong cuộc họp Chính phủ trước đó.
Tỷ giá kỳ hạn là một trong những công cụ phái sinh có khả năng tạo khoảng trống linh hoạt cho tỷ giá. Tuy nhiên trong bối cảnh việc mua ngoại tệ của NHNN mới chỉ bắt đầu, việc đưa ra tỷ giá kỳ hạn từ 3-12 tháng có thể là quá rộng. Cho dù chưa có văn bản ban hành chính thức, tỷ giá kỳ hạn vẫn đang tạo kỳ vọng biến động mạnh của tỷ giá hiện nay. Từ kỳ vọng biến động đến tâm lý xáo trộn là khoảng cách không xa.
Không loại trừ khả năng NHNN tạm ngừng mua ngoại tệ khi tỷ giá liên ngân hàng lên cao để thu hút các nhà xuất khẩu bán ngoại tệ nhiều hơn trên thị trường này thay vì trên thị trường tự do. Tỷ giá thị trường tự do đang ngang bằng, thậm chí có lúc thấp hơn, tỷ giá liên ngân hàng.
Việc các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia thị trường liên ngân hàng thông qua các tổ chức tín dụng sẽ kéo các nhà nhập khẩu vào cuộc.
Nếu phỏng đoán này chính xác, thì đây là một bước đi đáng ghi nhận của cơ quan quản lý. Điều tiết và quản lý thị trường liên ngân hàng dễ hơn nhiều so với kiểm soát thị trường tự do.
Mặt khác, NHNN dường như đang lưỡng lự trong động thái mua ngoại tệ, “bơm” tiền đồng ra. Tham vọng giải bài toán tỷ giá và lãi suất cùng một lúc tỏ ra khó khả thi. Trong trường hợp của chúng ta, tỷ giá cần phải được ưu tiên. Muốn chủ động điều hành tỷ giá, Nhà nước phải có nguồn vật chất thực lực là dự trữ ngoại hối tương đối lớn.
Nguồn tiền đồng đưa ra thị trường từ việc mua vào ngoại tệ có thể xử lý bằng kênh phát hành trái phiếu và tăng dự trữ bắt buộc. Để bán được trái phiếu có thể Bộ Tài chính phải tăng lãi suất hoặc NHNN chấp nhận tăng một tỷ lệ vừa phải dự trữ bắt buộc tiền đồng.
Khách quan mà nói, lãi suất nên được duy trì ở mức cao thêm một thời gian để hậu thuẫn cho sự phục hồi giá trị đồng nội tệ, vốn đang còn chập chững, và theo dõi sự thay đổi của chỉ số CPI.
Theo Lưu Hảo
TBKTSG