Quê hương!...Sao tôi vẫn nhớ hoài về nơi đó. Khi những buổi chiều mắc giữa dòng người xe. Những đêm khuya không gặp giấc ngủ. Những nỗi buồn không duyên cớ. Và Quê cũ hiện về giữa những khoảng trống rỗng, như vỗ về an ủi đứa con xa.
Quê hương!...Tôi nhớ lắm dòng Sông La xanh trong mát rượi với triền đê dài thoai thoải cỏ mọc xanh rì. Một tuổi thơ tóc cháy, lấm lem bụi đất đuổi theo những con cào cào dọc triền sông. Là những chiều dép cao su nhét sẵn vào cặp, thắc thỏm đợi tiếng trống tan trường để ùa theo lũ bạn cởi vội quần áo lao xuống dòng sông chơi trò đuổi bắt. Một tuổi thơ với những trận đòn nên thân sau mỗi đợt tắm sông về và mãi sau này tôi mới hiểu tại sao mình lại bị Bố đánh đau đến thế.
Quê hương...Tôi nhớ lắm cái đình làng Số 3. Đình làng Trung bộ quê tôi không có gốc đa, giếng nước. Đình làng nằm trong khuôn viên dinh thự hoang tàn của Quan tổng đốc Hoàng Cao Khải. Nội tôi kể lại sau ngày cải cách ruộng đất dinh thự đã bị đập nát. Không phải đến tận bây giờ mà trước đây thỉnh thoảng vẫn có những người con xa xứ vượt nửa vòng trái đất trở về thăm quê chỉ để tìm lại cho mình một hình bóng hình bóng xa xưa. Người và cảnh ngậm ngùi...man mác. Ngày xưa thơ dại tôi chịu không hiểu nổi những điều ấy chỉ biết đình làng là nơi hai anh em tôi hẹn lũ bạn bè ra đấy đá bóng. Trẻ con nhà quê không có thời gian không có thời gian rỗi nào tốt hơn buổi trưa. Người lớn sau một buổi làm việc mệt nhọc ăn qua quýt vội chén cơm rồi tranh thủ nghỉ ngơi cho kịp buổi làm chiều. Chúng tôi xem đấy là khoảng thời gian tuyệt vời nhất.Chúng tôi lấy rơm bện những quả bóng to bằng nắm tay người lớn và chia làm hai phe rồi lao vào những trận đấu cãi nhau inh ỏi làm những con dơi đang treo ngược mình diễn xiếc ở những hốc tối nào đó trên mái đình giật mình bay ra toán loạn.
Quê hương!...Tôi nhớ đến cồn cào những bữa cơm thời bao cấp: gạo mậu dịch đỏ quạch, lộn nhộn khoai và sắn, ăn cùng với canh riêu cua không mì chính mẹ bắt hồi sáng sớm, tôi đánh ba bốn bát. Vậy mà mẹ tôi lại không thích an cơm chỉ lấy mấy mẩu khoai nhấn nhá, chờ cho cả nhà ăn xong mới cạy nốt chỗ cháy trong nồi, vẫn lại nhấn nhá ăn "cho đỡ thừa cơm nguội". Mẹ cứ ăn thế triền miên từ ngày này qua ngày khác, cho đến khi gạo tiêu chuẩn không còn phải độn khoai sắn. Và lúc đó tôi cũng đã lớn để hiểu về sở thích lạ lùng của mẹ...
Quê hương!...Tôi nhớ về những tối mùa hè oi ả. Tiếng học bài ê a trong bóng đèn dầu chập choạng,vóng vót từ nhà này sang nhà bên kia như đối đáp. Bóng chị gái tôi ôn thi đại học gầy gò bất động in hình lên bức tường loang lổ, tiếng muỗi bay vo ve, tiếng phần phật từ quạt mo đuổi muỗi của Bố cho chị học bài làm cho mùa hè như thế mà bớt nực hơn.
Quê hương!...Tôi nhớ lắm cái Ga xép Chợ Thượng, về cái ngày cả gia đình tôi tiễn chị lên tàu ra Hà nội học Đại học. Tôi khi ấy mới mười hai tuổi. Mẹ và chị khóc đỏ cả mắt, tôi khóc cũng nhiều lắm vì tôi nghĩ là mình sẽ mất chị. Hà Nội khi ấy đối với tôi như một vùng đất bí ẩn mà ai đã đặt chân đến đấy sẽ không về nữa. Bố tôi không khóc chỉ đứng nhìn mấy Mẹ con tôi và mỉm cười. Sao lúc ấy tôi thấy ghét Bố đến thế. Chẳng lẽ ông đang tâm để Hà Nội lấy mất chị tôi. Chỉ trước khi chị bước lên tàu ông vội vã ôm chị vào lòng và buông ra cũng vội vã không kém sau khi kịp thì thầm câu gì đấy, rất nhỏ và ngắn... Chỉ thấy ánh mắt chị sáng lên, một ánh mắt mà trước đây tôi chưa gặp bao giờ...ở chị. Và sau này ga Chợ Thượng vẫn chứng kiến những lần đưa tiễn dành cho tôi và em trai tôi, nhưng những cuộc đưa tiễn ấy gia đình tôi ngày càng ít người hơn.
Quê hương!...Trải qua bao biến cố thăng trầm nhưng ký ức về quê vẫn còn như mới ở đâu đó mà bất cứ lúc nào cũng có thể nhận ra. Quê tôi vẫn vậy…lũ trâu vẫn hiền hòa gặm cỏ ngoài đồng, dòng sông La vẫn trong xanh tươi mát, lũ cào cào châu chấu tháng sáu vẫn thi nhau giã gạo trên triền đê. Chỉ có điều trẻ con không còn phải đá bóng rơm mà thay vào đấy là những quả bóng da đắt tiền. Đèn điện sáng rực ngõ xóm, tiếng học ê a hằng đêm vẫn vóng vót từ nhà này sang nhà kia như đối đáp. Đèn dầu thì không còn nữa nhưng những đôi mắt sáng lên trên từng trang sách hằng đêm vẫn ấp ủ và như mới biết bao kỳ vọng ước mơ của các thế hệ cha anh gửi gắm
Quê tôi... Có những thứ mà chẳng bao giờ thay đổi dù cho vật đổi sao dời./.
Hải Thanh
Từ Liêm - Hà Nội