Ðề: TẦNG III : Làm thế nào để tiết kiệm - bảo toàn vốn - đầu tư tài sản của mình hiệu quả !
Thị trường ngoại hối có những chuyển biến tích cực
Lần đầu tiên sau một thời gian dài, tỷ giá mua vào tại các NHTM cao hơn tỷ giá mua vào trên thị trường tự do với mức chênh lệch từ 10 – 20 đồng. => giống những tháng đầu năm 2008
Mục tiêu đưa tỷ giá thị trường về trong biên độ của ngân hàng Nhà nước (NHNN) có tín hiệu thành công.
Tuy nhiên, yếu tố lạm phát sẽ khiến cho quá trình này vẫn còn rất gian nan. Nhiều khả năng, CPI tháng 4 vẫn sẽ cao.
Diễn biến các loại tỷ giá USD/VND trong tháng 4.2011
Nguồn cung ngoại tệ trên thị trường tăng mạnh
Thông tư ngày 9.4.2011 của NHNN với quy định mức huy động vốn tối đa bằng USD của người dân không được vượt quá 3% đã tác động mạnh đến nhóm khách hàng cá nhân. Do lãi suất huy động bị giảm mạnh từ 2 – 2,5%/năm so với trước đó nên một bộ phận dân cư nắm giữ ngoại tệ gửi vào các NHTM hưởng lãi suất đã giảm. Họ bán bớt một phần ngoại tệ để gửi tiền đồng với lãi suất cao.
Bên cạnh đó, chính sách siết chặt hoạt động của thị trường tự do lại khiến cho dòng ngoại tệ trên thị trường này chảy vào hệ thống ngân hàng. Việc cơ quan quản lý thu giữ ngoại tệ giao dịch trái phép khiến cho giao dịch trên thị trường này tiếp tục bị đóng băng.
Lần đầu tiên sau một thời gian dài, tỷ giá mua vào tại các NHTM cao hơn tỷ giá mua vào trên thị trường tự do với mức chênh lệch từ 10 – 20 đồng. Người dân vì vậy đã chuyển sang bán ngoại tệ cho các NHTM, vừa thu được giá bán cao hơn so với thị trường tự do, vừa giảm bớt rủi ro khi giao dịch với những cửa hàng không được phép kinh doanh ngoại tệ.
Một nguyên nhân nữa khiến nguồn cung ngoại tệ chảy vào hệ thống ngân hàng tăng lên là do giá hàng hoá thế giới đang biến động có lợi cho cán cân thương mại của Việt Nam.
Trong tuần qua, hầu hết giá các hàng hoá nhập khẩu chính của Việt Nam lại có xu hướng đi xuống. Chỉ số giá các hàng hoá kim loại ngày 15.4.2011 giảm 0,42%, chỉ số giá năng lượng cũng đi xuống 0,54% so với tuần trước đó. Đặc biệt giá dầu thô giảm tới 3,31% xuống còn 109,39 USD/thùng tính đến hết ngày 15.4.2011.
Uớc tính trong giỏ hàng hoá nhập khẩu của ba tháng đầu năm 2011 của Việt Nam thì hàng hoá kim loại chiếm tới 9%, còn hàng hoá xăng dầu chiếm khoảng 10,79%. Giá những hàng hoá này giảm giúp giảm bớt nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu.
Ngược lại, bên phía xuất khẩu, mọi chuyện lại đang thuận lợi hơn. Bất chấp những động thái thắt chặt kinh tế của tất cả các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, các hàng hoá thiết yếu với cuộc sống người dân vẫn được mua vào với tốc độ nhanh hơn.
Chỉ số hàng hóa lương thực thực phẩm vẫn tăng thêm 0,63%. Điều này đặc biệt có lợi đối với một nước xuất khẩu các hàng hoá nông nghiệp lớn như Việt Nam gồm: gạo, càphê... Nó đang giúp giảm bớt thâm hụt cán cân thương mại trong ngắn hạn.
Cơ hội để tăng dự trữ ngoại hối và chống đôla hoá
Trước việc tỷ giá mua bán trên thị trường liên ngân hàng và thị trường tự do đã vào vùng biên độ, NHNN có cơ hội để nâng cao mức dự trữ ngoại hối quốc gia.
Đó có thể là lý do NHNN liên tiếp tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng (tỷ giá BQLNH) trong thời gian qua. Tỷ giá này đã tăng lên 20.728 đồng/USD trong ngày 16.4.2011, mức cao nhất từ trước đến nay.
Việc kéo các loại tỷ giá vào trong biên độ do NHNN kiểm soát cần đặt vào trong lộ trình chống đôla hoá. Từ đầu năm 2011, NHNN đã đưa ra một loạt các biện pháp khiến cho ngoại tệ trở nên “kém hấp dẫn hơn” so với nội tệ.
Cụ thể đó là các biện pháp như tăng mạnh tỷ giá BQLNH chính thức, điều hành tỷ giá linh hoạt hàng ngày, hạn chế hoạt động mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do, khống chế trần huy động ngoại tệ từ dân cư, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với huy động ngoại tệ, và hạn chế quan hệ vay mượn ngoại tệ giữa các tổ chức kinh tế với ngân hàng.
Những biện pháp này mới chỉ tác động tới một bộ phận dân cư nắm giữ ít ngoại tệ. Tuy nhiên đó có thể là tiền đề để NHNN “lôi kéo” các tổ chức hoặc các cá nhân nắm giữ nhiều ngoại tệ tham gia vào hoạt động mua bán ngoại tệ thay vì vay mượn. Việc này không dễ dàng. Nó chỉ xảy ra khi các đối tượng này cảm thấy là họ dễ dàng mua lại ngoại tệ với tỷ giá có khả năng dự báo trước.
Trong tháng 4.2011, NHNN sẽ ban hành thông tư mới thay thế thông tư 26/2009/TT-NHNN về việc mua bán ngoại tệ của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Thông tư mới sẽ mở rộng số lượng các tập đoàn, tổng công ty phải bán lại ngoại tệ cho các ngân hàng. Nó sẽ dễ được ủng hộ hơn khi NHNN có khả năng kiểm soát được tỷ giá trong biên độ.
NHNN cũng sẽ ban hành quy định về trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng (TCTD) theo hướng giảm giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ. Điều này sẽ làm giảm tình trạng đầu cơ với thị trường ngoại hối của các TCTD này. Các TCTD sau khi cân đối được ngoại tệ, nếu còn dương trạng thái nhiều sẽ phải bán bớt lại cho NHNN.
Một khi các tập đoàn và tổng công ty nhà nước bán ngoại tệ ra, cũng như các TCTD giảm đầu cơ ngoại tệ, lượng tiền gửi ngoại tệ của hệ thống ngân hàng cũng sẽ giảm tương ứng. Điều này sẽ tạo ra hiệu ứng khiến các tổ chức tư nhân giảm gửi ngoại tệ theo. Nếu điều này xảy ra, hiện tượng đôla hoá ở Việt Nam về cơ bản sẽ được khống chế.
Tính quyết định trong việc chống đôla hoá
Tuy nhiên, việc chống đôla hoá chỉ thực sự thành công nếu như NHNN kiểm soát được lạm phát. Mọi người đều hiểu rằng nếu lạm phát cao thì chắc chắn NHNN sẽ phải tiếp tục phá giá đồng nội tệ. Khi đó, việc nắm giữ ngoại tệ sẽ có lợi hơn ngay cả khi lãi suất thấp.
Việc NHNN gia tăng mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối tiềm ẩn khả năng gây ra lạm phát. Khi NHNN mua ngoại tệ vào thì cũng đồng nghĩa với việc bơm thêm tiền đồng ra nền kinh tế thông qua các NHTM. Chưa có chỉ dấu cho thấy NHNN sẽ trung hoà lượng tiền đồng bơm ra này như thế nào.
Hơn nữa, chính sách áp trần lãi suất huy động VND ở mức 14% trong bối cảnh lạm phát cũng khiến cho việc rút tiền về của NHNN trở nên khó khăn. Nếu tiền trong lưu thông không được rút về, lạm phát sẽ tiếp tục ở mức cao, có khả năng làm vô hiệu hoá các chính sách chống đôla hoá.
Trong tuần này, CPI tháng 4.2011 sẽ được tổng cục Thống kê công bố. Trước đó, theo dự báo của tổ điều hành thị trường trong nước thuộc bộ Công thương trong cuộc họp ngày 28.3, CPI cả nước trong tháng 4 tới sẽ tăng từ 1,6 đến 1,8%.
Với tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái ở mức 15,3 – 15,6%, cao hơn đáng kể so với mức lãi suất tiền đồng niêm yết hiện tại là 14%, thì việc thuyết phục người dân và các tổ chức giảm nắm giữ ngoại tệ vẫn là một việc khó khăn.
Trong những tháng tới, khả năng điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện tiếp tục tạo áp lực đối với lạm phát. Yếu tố lạm phát sẽ khiến cho việc chống đôla hoá của NHNN vẫn còn rất gian nan.
Theo Nguyên Minh Cường
SGTT