Ðề: TẦNG III : Làm thế nào để tiết kiệm - bảo toàn vốn - đầu tư tài sản của mình hiệu quả !
Gửi tiết kiệm VNĐ lợi hơn USD
Người gửi tiết kiệm USD chỉ có được mức sinh lời ngang với gửi VNĐ nếu tỉ giá tăng 11%/năm, điều này được dự báo là khó xảy ra
Hôm nay (13-4), ngày đầu tiên các ngân hàng (NH) áp dụng lãi suất tiền gửi USD cao nhất 3%/năm theo đúng quy định, trong khi lãi suất tiết kiệm VNĐ vẫn đứng ở mức 14%/năm. Mức chênh lệch lãi suất USD và VNĐ đang đặt ra sự chọn lựa cho người gửi tiền.
Tại NH Á Châu (ACB), lãi suất tiền gửi USD kỳ hạn 12 tháng trở xuống vừa được công bố phổ biến ở mức 2,9%-2,95%/năm; NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) áp dụng lãi suất tiền gửi USD là 3%/năm đối với mọi kỳ hạn, riêng lãi suất không kỳ hạn chỉ 0,5%/năm... Các NH khác cũng có mức lãi suất tương tự. Như vậy, so với trước ngày 13-4, các NH đã giảm mạnh lãi suất tiết kiệm USD (từ 4,2%-6%/năm xuống còn 2,9%-3%/năm).
Tiếp xúc với chúng tôi, chị Lê Thị Hưng (quận Phú Nhuận - TPHCM) băn khoăn vì chỉ còn 2 ngày nữa là đến thời điểm đáo hạn 5.000 USD gửi tiết kiệm tại NH Đông Nam Á song chị vẫn còn do dự có nên tiếp tục gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ hay không. Theo chị Hưng, với lãi suất tiết kiệm USD là 3%, mức sinh lời đã giảm phân nửa. Trong khi đó, tỉ giá USD tự do ngày càng giảm nên việc nắm giữ USD đã kém hấp dẫn.
Nhiều người có nhu cầu gửi tiết kiệm cũng đang tính toán: Giả sử số tiền gửi tiết kiệm là 10.000 USD, kỳ hạn 1 tháng, lãi suất 0,25%/tháng (3%/năm) sẽ sinh lời 25 USD (tương đương 525.000 đồng). Thế nhưng, nếu chuyển 10.000 USD (1 USD = 21.000 đồng) thành 210 triệu đồng rồi gửi tiết kiệm với lãi suất 1,16%/tháng (14%/năm) thì sinh lời hơn 2,4 triệu đồng, gấp 5 lần so với gửi tiết kiệm bằng USD...
Tuy đều thấy gửi tiết kiệm bằng VNĐ lợi hơn USD nhưng không phải ai cũng chuyển đổi USD sang VNĐ. Một số người cho rằng giá cả hàng hóa ngày càng leo thang, đồng nghĩa VNĐ mất giá nên họ chọn lựa gửi tiết kiệm USD. Họ cũng kỳ vọng tỉ giá từ nay đến cuối năm còn biến động nên “cố thủ” USD bởi trong năm 2010, tỉ giá đã từng tăng khoảng 10%.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Anh, nguyên giám đốc Trung tâm Giao dịch ngoại hối và hàng hóa của NH Kỹ thương Việt Nam, thời điểm này, người dân gửi tiết kiệm bằng VNĐ là hợp lý bởi lãi suất VNĐ và USD chênh nhau quá lớn, trong khi khả năng tỉ giá khó có thể tăng cao.
Thực tế cho thấy các biện pháp quản lý thị trường ngoại tệ của NH Nhà nước đã và đang phát huy tác dụng, tỉ giá bắt đầu ổn định, tình trạng thu gom, găm giữ USD đã giảm dần. Biểu hiện rõ nhất là tỉ giá ngoại tệ trên thị trường tự do đã giảm 1.400 đồng/USD, từ đỉnh 22.400 đồng/USD (cuối tháng 2-2011) xuống còn 21.000 đồng/USD (ngày 13-4).
Mặt khác, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước... cũng đã và tiếp tục bán ngoại tệ cho NH, riêng Tập đoàn Dầu khí bán 2,7 tỉ USD. Các tỉnh, TP... tiếp tục cắt giảm đầu tư công, từ đó hạn chế được nhu cầu nhập khẩu thiết bị máy móc, vật liệu xây dựng... làm giảm nhập siêu, hạ áp lực cầu USD. Vì thế, từ nay đến cuối năm 2011, tỉ giá gần như không hội tụ được các yếu tố để tăng đột biến.
Theo Thy Thơ
Báo Người Lao Động