Những cuốn sách yêu thích

507
0
0

zoe

New Member
Minh xin bat dau nhe.

Nỗi buồn chiến tranh
Bảo Ninh

Viết bài này như một lời xin lỗi một người bạn, đã om cuốn sách của quá lâu.


Tôi sinh ra khi Mỹ đã ngừng ném bom miền Bắc, nhưng có lẽ những tiếng bom rơi trong tiềm thức của bố mẹ tôi mãi để lại trong tôi một nỗi buồn, mà sau khi đọc Nỗi buồn chiến tranh, tôi mới hiểu. Nỗi buồn đó cũng giống nỗi buồn của người lính ngỡ ngàng nhận ra chiến tranh đã khắc sâu trong tâm hồn và cả da thịt họ, mà dù cố quên đi cũng không thể.

Toi hay thích nhìn trẻ con chơi sói đuổi bắt thỏ, chơi "công an đi bắt quân gian" trong công viên, những trò chơi của mọi đứa trẻ, dù sinh ra lớn lên ở đâu. Nhưng có lẽ chỉ trẻ con ở vài nơi trên thế giới, như tôi ngày bé, mới chơi trò phủ chăn lên bàn làm hầm trú ẩn, trốn máy bay.

Thế hệ của tôi là một thế hệ dù không mất mát xương thịt trong chiến tranh, nhưng một phần tâm hồn. Một thế hệ không biết mình phải đứng ở đâu, phải nhìn cuộc đời thế nào.

Tôi bắt đầu đọc Nỗi buồn chiến tranh một cách thờ ơ. Lật nhanh rất nhiều trang, để đến khi ngấm vào mạch câu chuyện thì vội vàng lật lại những trang cũ. Cuốn sách viết về cuộc sống của những người lính trinh sát trong mười năm cuối của chiến tranh. Kiên, một người thanh niên Hà Nội, từ bỏ mái trường ra đi theo tiếng gọi Tổ quốc, khi cuộc chiến bắt đầu vào giai đoạn đẫm máu nhất.

Câu chuyện được kể lại không theo thứ tự thời gian, như hồi ức trở về trong những giấc mơ. Những tên địa danh nghe cũng hư ảo, Truông Gọi Hồn, Đồi Mơ, nhưng không còn từ nào tả thật hơn về cảm xúc của những người đã từng sống ở đó, tại thời điểm đó. Mỗi người ra trận, chiến đấu đến cùng, vì những lý do riêng. Có người vì lý tưởng, có người chỉ vì đó là điều phải làm, vì sự sống còn của họ, có người chỉ vì những tính toán thật cỏn con mà vĩ đại - mong lập công để được chuyển đi học và được gặp lại mẹ già. Tác giả thành công khi mô tả cái xấu và tốt lẫn vào nhau và tất cả đều rất "người".

Chiến tranh đưa con người đến những tình thế mà họ không còn là người trần nữa, họ trở nên "thánh thần". Một cô giao liên miền biển, khóc thầm vì không nhớ nổi đường rừng, nhưng đến lúc cần sẵn sàng dùng thân thể mình làm mồi cho kẻ thù, để đồng đội chạy thoát. Một người lính đào ngũ vì không nhìn thấy ngày "về" sau thất bại Mậu Thân, vì linh cảm anh sẽ không bao giờ gặp mẹ nữa.

Không chỉ người ở mặt trận, người ở hậu phương cũng không sống một cuộc đời thường. Người mẹ đó đang tuyệt vọng vì thư báo tử của hai người con khác, nhận được tin con trai còn sống sắp về thăm mẹ, thì từ sắp chết mà sống lại. Hy vọng và niềm tin đã nuôi sống và làm họ trở nên mạnh mẽ. Hy vọng và tin vào điều gì ? Vào ngày chiến tranh kết thúc.

Chiến tuyến không làm con người khác nhau. Tác giả mô tả những người ở bên kia chiến tuyến cũng rất "thánh thần" và rất "người". Họ cũng nổ súng để giữ mạng sống cho mình, họ cũng kiêu hãnh và cũng yếu mềm. Và điều giống nhau giữa tất cả những người lính trong cuộc chiến đó là niềm mong mỏi ngày chiến tranh kết thúc.

Hà Nội những ngày khói lửa được tác giả mô tả nhiều. Dù những người Hà Nội trong cuốn sách không đặc trưng cho những gì tôi thích, tôi hiểu thêm Hà Nội những ngày đó. Mẹ tôi một lần kể lại, bà luôn ám ảnh tiếng còi tàu trên ga Hàng Cỏ đưa bà và chị tôi đi sơ tán. Lúc đó bà không biết sẽ có ngày mình quay lại Hà Nội không.

Sống giữa những hồn ma, giữa cái chết sẽ đến bất cứ lúc nào, những người lính trinh sát vẫn hy vọng, vẫn sống và chiến đấu đến cùng. Hy vọng trong chết chóc, còn điều gì đáng ngưỡng mộ hơn. Hồng ma, những bông hồng mọc lên từ máu của những người ngã xuống trong nghĩa địa chồng chất xác người. Những bông hồng với mùi thơm mê hoặc, đưa họ đến thế giới thần tiên của những mong muốn trần tục: một bữa ăn ngon, một cô gái đẹp, những kỷ niệm xưa. Những ván bài, sự thắng thua sát phạt nhỏ nhặt là cuộc đời thường trong giấc mơ thần tiên của họ.

Kiên có lẽ là nhân vật không may nhất trong tiểu đội trinh sát. Anh là người chứng kiến từng cái chết của đồng đội. Anh là người duy nhất trở về, để sống trong những hồi ức về thời bom đạn, để thấy mình mãi mãi lạc lõng, mãi mãi buồn...
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
7,827
1
38

Me Minh "meo"

Active Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Chị Th. oi em đọc cuốn này lâu quá rồi, ko nhớ nhiều lắm, vì cái tội đọc ngấu nghiến rất nhanh; ấn tượng để lại là văn rất đẹp, mềm như Pau ấy, và có những trường đoạn dường như viết rất công phu, nắn nót từng câu chữ, chậm, lắng, như khoảng lặng giữa các đợt bom.

Cảm ơn chị đã mở topic này :kiss: ! Em xin tiếp nhé!
--------------------------

Tôi đọc hết Sững sờ và run rẩy của Amélie Nothomb liên tục trong vòng chưa tới 3 giờ đồng hồ. Tôi chọn nó 1 cách ngẫu nhiên, không qua một con mọt sách nào giới thiệu. Ấn tượng đầu tiên là cái tên rất « thanh niên » và có vẻ bí hiểm ! Rồi vài dòng ngắn gọn giới thiệu ngoài bìa khiến tôi « chết » hẳn ! Á à, « mâu thuẫn lâu đời giữa phương Đông và phương Tây » à, thế phải xem mới được, xem 1 cô gái châu Âu làm việc tại Nhật thì thế nào...

Hài hước thế chứ ! Ngôn từ trong sáng tự nhiên thế chứ ! Mà cũng khéo léo cuốn hút người ta thế chứ ! Mào đầu kiểu thế này thật là quá hợp với 1 cuốn sách có bối cảnh là Nhật Bản : Ông A là cấp trên của ông B, ông B là cấp trên của ông C, ông C là cấp trên của cô D, cô D là cấp trên của tôi. Còn tôi không là cấp trên của ai hết. Bởi vì nó mô tả trúng phóc văn hoá doanh nghiệp Nhật, nơi mà « tôn ti trật tự » như trong 1 gia đình truyền thống và tuyệt không có cách nào để đứa út trong nhà có thể « vượt mặt » dù là ông anh sát nó chứ chưa nói đến các bậc cha chú vào cái thời năm 90 ấy. Amélie viết 1 cách chân thật! Tôi nghĩ đó gần như hoàn toàn là những gì đã xảy ra với chính cô ấy tại Nhật, vì tôi không thấy có gì là thậm xưng khi nói về thế giới công việc tại các công ty của Nhật. Giọng văn của cô ấy giống như môi trường nơi mà nữ nhân vật chính làm việc, giống như những con người làm việc trong môi trường ấy – rất rõ ràng không vòng vo, ít cảm xúc, vâng, dường như tưng tửng ít cảm xúc vì nó « khách quan » quá, thực quá, nhưng lại đem lại cho người đọc những xúc cảm dạt dào và cảm nhận về 1 sự thú vị và hài hước có chiều sâu. Cô ấy viết không châm biếm phê phán, đúng kiểu con nhà ngoại giao, dù rằng theo lý mà nói nó hoàn toàn được phép thế. Nữ nhân vật chính chỉ tả sự, tả cả sự đau khổ của cô ấy, ước mơ được bay ra khỏi những kìm kẹp ấy, khi cô bị một người phụ nữ không phải thiên thần, không phải ác quỷ, mà chính xác là 1 phụ nữ Nhật «dúi xuống », nhưng người đọc không bị ấn tượng về sự căm thù cay cú, nữ nhân vật chính vẫn đầy bao dung, cô ấy để người ta tự phán xét.
Nếu ai mong chờ 1 kết thúc có hậu theo kiểu truyền thống thì không có ở cuốn sách này. Tôi nói « kiểu truyền thống » vì tôi không thấy nó hoàn toàn « không có hậu ». Tôi cũng đã hồi hộp mong chờ đoạn kết xem số phận cô gái tài năng mắt xanh tóc vàng giữa những người đàn ông và phụ nữ mắt đuôi dài có được ra khỏi chốn nhà vệ sinh ấy để trở về với cuộc sống công sở đích thực hay không, nhưng khi kết cục không phải thế, tôi lại ngẫm rằng hình như nó « tất lẽ dĩ ngẫu » nên là vậy, vì nó là cách thức tốt nhất ngay cả cho cô gái tài năng ấy. Cô ấy, tự thấy mình không thuộc về nơi ấy!

Tại sao lại là « Sững sờ và run rẩy » ? Đó là 1 quy định trong nghi lễ hoàng gia Nhật Bản khi xưa, và cũng là 1 điểm thú vị khiến tôi nhớ mãi về cuốn sách này. Bạn hãy tự khám phá nhé.

Kể ra tôi cũng có chút ngượng ngùng khi tự thú điều này, vì tôi vốn có ý miệt với những đồng chí mà chỉ nhìn thấy chiều dày hơn 1 đốt ngón tay đã cho quyển sách ấy vào vùng « cấm địa » bất kể nổi tiếng best-seller thế nào: Sự thực là từ 1 năm nay tôi không còn đủ thời gian cũng như đam mê, nói thẳng ra là kiên nhẫn, cho những cuốn truyện có thể đem gối đầu giường được nữa. Tôi đi hiệu sách và mua những cuốn sách tiêu chuẩn là dễ đọc, đọc nhanh, nhẹ nhàng hài hước, không phải suy nghĩ nhiều, chả hạn như serie « Tín đồ shopping » . Và trong cái tâm thế ấy tôi chọn « Sững sờ và run rẩy » của Amélie Nothomb. Nhưng rồi cuốn sách mới mẻ hơn nhiều những gì tôi đã nghĩ, khiến tôi cười nhiều hơn tôi đã kỳ vọng, và khiến tôi nhớ lâu hơn thời gian thông thường tôi dành cho 1 cuốn truyện nhỏ nhắn !
 
507
0
0

zoe

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

À, nước Nhật. Một xứ xở lạ lùng. Làm người ta có lúc yêu say mê, lại có lúc chán vì bất lực. Vì không hiểu nổi, vì bức tường chắn bỗng từ đâu mọc lên ngăn ta bước vào thế giới đó ... Thế nhưng đó vẫn là nơi chị thích nhất :angle:

Tiếp tục về văn học Nhật, chị vừa đọc lại Snow country của Yasunari Kawabata. Sẽ post review...

Nhân nhắc đến best-seller, một vài cảm nghĩ về best-seller nè :). Hy vọng topic này sẽ có nhiều đóng góp từ các Mọt Sách yêu quí :rose::rose:


Best-seller

Calvin & Hobbes vs. Barbie
Sân bay Frankfurt, mẹ cùng con gái dạo vào hiệu sách. Con gái thích mua sách Barbie đi đám cưới. Mẹ lập đi lật lại bảo: Chả có nội dung gì :laughing:. Và, như để thách đố lời nhận xét về "nội dung", con gái ra chỉ toàn sách tiếng Đức :laughing:. Đúng là rất nhiều nội dung, nhưng nội dung này mẹ lại không hiểu được. Mẹ vờ lấy cuốn Calvin and Hobbes, rồi khen hay quá, buồn cười quá. Con gái nhìn đầy vẻ nghi ngờ, nhưng rồi đồng ý chọn một cuốn. Dĩ nhiên không phải là cuốn mẹ chọn, nhưng vẫn là Calvin and Hobbes.

Con mang về nhờ bố đọc. Bố kết luận: khó quá. Lobby, priviledge, trang đầu đã có toàn từ khó, chịu không giải thích nổi. Hum, đúng là bây giờ mẹ hiểu sao sách Barbie bán chạy :laughing:.


Other colours. Orhan Pamuk

Tôi lại chọn một cuốn sách vì tác giả nổi tiếng. Không nên hy vọng tìm được ở sân bay sách không có mác best-seller. Ít ra việc tác giả đạt giải Nobel cũng bù lại phần nào.

Cuốn sách là một tuyển tập những ghi chép của Orhan Pumak về cuộc sống hàng ngày, về những cuốn sách, về thế giới. Mỗi ghi chép chỉ dài vài trang, người đọc có thể cảm thấy an tâm không lo rơi vào cảm giác chán ngán giữa chừng. Có lẽ vì thế mà cuốn sách mới đủ độ best-seller để bán ở sân bay.

Thế nhưng, ngoài sự mong đợi, tôi bị cuốn hút thật sự. Không một bài nào bị bỏ dở. Thú vị hơn nữa là tôi có thể chọn thứ tự để đọc.

Nhà văn có cách viết rất giản dị, dễ hiểu, cho dù một số vấn đề ông đề cập đến khá phức tạp. Ông viết về cảm giác của một cậu bé không muốn đến trường và sự bất lực của cậu khi người lớn không hiểu được điều hiển nhiên ấy. Ông viết về châu Âu từ góc nhìn của một người Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia mà châu Âu không coi là Âu, mà châu Á không coi là Á. Ông viết về những cuốn sách và nhà văn ông yêu thích.

Có biết bao người đọc những dòng suy nghĩ của ông và thấy mình trong đó. Không cao xa, nhưng rất đúng. Phải chăng, chỉ khi thật sự hiểu, người ta mới có thể diễn giải một cách đơn giản điều muốn nói. Bởi vì mọi thứ có lẽ đều đơn giản, mà con người làm phức tạp lên bởi chính sự không hiểu của mình.

Đây là lần đầu tiên tôi đọc bình luận về Dostoievsky mà không cần đau đầu suy nghĩ. Chỉ thấy, đúng quá. Và có lẽ đây cũng là lần đầu tiên tôi thật sự hiểu mối liên quan giữa các nhân vật của Dostoievsky và existentialism, về nguyên nhân làm Dostoievsky khám phá ra existentialism.

Dostoievsky chống lại các giá trị phương Tây, nhưng chính ông là người được giáo dục bởi những giá trị đó. Ông chống lại, không bởi vì ông cho rằng những giá trị đó vô nghĩa, mà bởi vì ông chán ghét giới trí thức Nga dễ dàng tôn sùng các giá trị đó. Và cũng chính vì thế mà các nhân vật của ông ra đời, phản biện lại những giá trị du nhập, để trở thành những nhân vật existentialist đầu tiên, trước khi "existentialism" ra đời.

Đọc lại một cuốn sách để được sống lại những cảm xúc trong những lần đọc trước và để thấy thời gian trôi đi. Pamuk cũng viết một câu tương tự thế. Tôi tự hỏi tôi có đọc lại cuốn sách này không và trong bao nhiêu năm nữa ...
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
354
0
16

Mr_Ech

Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

....................."Tuổi thơ dữ dội" - Cuốn sách của tuổi thơ tôi


Đọc Mọt tuyển trong các trang web, thấy những truyện nước ngoài hiện đại được giới thiệu thật hay. Chính những dòng giới thiệu ấy đã khiến tôi tìm và đọc... Nhưng cũng chính những dòng giới thiệu chứa bao cảm xúc của tác giả cũng khiến bao lần trong tôi, dậy lên cái mơ ước, được giới thiệu cuốn truyện của riêng mình, cuốn truyện đã đi sâu vào trong tiềm thức của tôi để mỗi khi nói về xúc cảm đọc văn, tôi không thể không kể đến. Đó chính là tác phẩm "Tuổi thơ dữ dội" của nhà văn Phùng Quán.

Tôi đọc "Tuổi thơ dữ dội" vào những năm học lớp 6. Ở nông thôn thuở ấy chưa có điện. Đèn dầu tù mù, nhưng tôi đã thức suốt đêm để đọc hơn 700 trang sách. "Tuổi thơ dữ dội" kể về cuộc chiến tranh vệ quốc của những thành viên Vệ Quốc Đoàn còn rất con nít với Vịnh "sưa", Vện "đầu to", Quỳnh "sơn ca", Lượm , Mừng, Tư "dát"... trong cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ 2 (1946) tại Huế - mảnh đất Cố Đô với những thiếu nhi kiên gan chống giặc ngay từ khi còn trong trứng nước, mảnh đất của những người Cộng sản nòi có gen di truyền từ cha mẹ sang con. Suốt nghìn trang sách, khắc sâu vào lòng tôi hai chữ Trung Hiếu của tuổi thơ dữ dội, bản lĩnh, anh hùng và kiên cường, bất khuất.

Trong lòng tôi lúc ấy, luôn có một tượng đài, một tượng đài trần truồng của Vịnh "sưa" khi treo mình trên cột thu lôi để đánh tín hiệu semaphore về cho đồng đội để chỉ địa điểm cho quân giải phóng đánh đồn giặc. Đánh xong tín hiệu cũng là lúc bị giặc phát hiện và chúng bắn chết em và để treo thân thể em trên đó. Và tôi khóc khi anh Đồng "râu" phải chết thảm dưới loạt đạn của giặc, nhìn thấy qua trang văn cảnh anh bị bọn giặc kéo thây ra Đập Đá để bêu cho trương lên …. Và Lượm (đã quá nổi tiếng rồi), một chiến sĩ trinh sát nhỏ tuổi, mới tí tuổi đầu đã làm Việt Cộng. Những trận đòn thừa sống thiếu chết, môi thì luôn bị bầm tím và vêu lên, mí mắt thì rách toạc vì những trận đòn tra tấn dã man, bị dời hết ngục này đến tù khác, thế nhưng người chiến sĩ nhỏ ấy luôn nung nấu một ý chí vững vàng, luôn tìm cách vượt ngục bằng mọi cách. Hài hước, tinh lanh và vui nhộn, cậu luôn cưu mang những bạn đồng chí và thật cao cả với “kẻ thù”. Mừng - một cái tên đi theo tôi mãi. Nhỏ tuổi nhất trong đám Vệ Quốc Đoàn nhí nhưng nhiều đau thương nhất. Trốn mẹ theo tiếng gọi đất nước, cầm súng khi chưa cao bằng cây súng, lại chịu nhiều cay đắng nhất. Vì em còn non dại nên vô tình bị án oan trong vụ án gián điệp của thằng Kim. Tôi đã khóc, khi đọc đến trang văn miêu tả những phút cuối trong cuộc đời của Mừng, cả đời hoạt động chống giặc, thế mà những tiếng nói cuối cùng trong đời lại là những lời thổn thức thanh minh "Em không phản bội"… Một tâm hồn thật đáng quý mà đáng thương, luôn yêu mến đồng đội và cách mạng đến hơi thở cuối cùng.

Tuổi thơ dữ dội, một tác phẩm mà tác giả muốn trả nợ những công lao của những thiếu nhi cứu quốc. Tôi đã đọc tiểu thuyết này một lần, cũng đã lâu lắm rồi, cũng quên nhiều, nhưng tôi vẫn chưa từng, chưa dám đọc lại. Bởi tôi sợ, mình sẽ lại không tìm thấy nguyên vẹn cái cảm xúc ngày xưa. Nếu điều đó xảy ra, chẳng phải là đáng tiếc lắm sao.

Đọc "Tuổi thơ dữ dội" chính là đọc lại một phần lịch sử tuổi thơ Việt, thấm đẫm xúc động, cảm phục và tự hào...
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
12
0
0

scoobidoo

New Member
Bắt trẻ đồng xanh!

Nếu ai đó hỏi tôi "Bạn đọc cuốn nào nhiều lần nhất?" tôi không do dự trả lời "Bắt trẻ đồng xanh" và nếu ai đó hỏi tôi "Cuốn nào bạn đọc chậm rãi nhất" - cũng là chính cuốn sách này, một cuốn sách giúp tôi nhận ra anh.

Tôi cũng đã có nhiều bài review về "Bắt trẻ đồng xanh" ở những góc độ khác nhau. Nhưng hôm nay tôi muốn giới thiệu cuốn sách này với những ai đang sống trong một vỏ bọc của sự viên mãn, vẫn cười đùa, vẫn tỏ vẻ hạnh phúc và tự tin, để che đậy sự yếu đuối và bế tắc của cuộc đời mình. Xin các bạn hãy thoát ra khỏi vỏ kén để một lần trong đời sống đúng "bản năng" - nếu ai đó không may, rơi vào cảnh tượng này, thì hãy đọc "Bắt trẻ đồng xanh". Chỉ có vậy thôi.
 
507
0
0

zoe

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Cảm ơn Mr_Ech.

Bài viết của Mr_Ech hay quá. Đúng là cuốn sách để lại những cảm xúc rất mạnh. Ngày nhỏ mình thích nhất Quê nội. Đọc đi đọc lại nhiều. Mỗi lần đói bụng mang ra đọc đọan tả những lần cúng giỗ các món ăn. Êm ả hơn nhưng cũng nhiều sự kiện lịch sử.

Không biết trong thời gian tới, những cuốn truyện viết vê tuổi thơ sẽ thế nào nhỉ: thay vì đánh trận giả bên bờ sông, sẽ là chơi games ngoài quán net :) ...

Nhưng dù thế nào, thì tuổi thơ vẫn cứ mãi mãi là quãng đời đẹp nhất !!
 
354
0
16

Mr_Ech

Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Ngày nhỏ mình thích nhất Quê nội.
........................................."Quê nội" và tôi

Tặng Zoe :rose:​

...... Có người chia những cuốn sách chúng ta đã đọc hàng ngày thành hai nhóm: nhóm thứ nhất gọi tên là Khách Lạ - đó là những cuốn sách đã đọc qua một, hai lần, nhưng còn chưa thấy hết được cái hay, cái đẹp và nhóm thứ hai có tên là Người Quen – đó là những cuốn sách mà ta yêu thích, đã được đọc đi đọc lại nhiều lần, đã khám quá ra nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn của nó. Cách phân loại và gọi tên nghe ngồ ngộ, mà ngẫm ra cũng đúng... Quyển sách thuộc nhóm thứ nhất chỉ là một vị khách thôi, mới đến nhà, đến cửa mà chưa quen, chưa thân; còn quyển sách ở nhóm thứ hai, chắc hẳn nằm trên giá sách đã từ lâu lắm và đã vẫn không ngừng được mang ra đọc lại...

...... Nếu phân chia như vậy, thì "Quê nội" - tác phẩm tiêu biểu, sâu sắc nhất về Cách mạng tháng Tám của nhà văn Võ Quảng - hẳn là một Người Quen, một "tình nhân" (chữ dùng của Vitxinhxinh) thân thiết của tôi...

...... Nói là người quen, thậm chí người quen lâu năm với "Quê nội" có lẽ cũng chả có gì làm quá đáng. Bởi vì tôi đọc "Quê nội" khi còn bé lắm. Hình như lúc đó mới học lớp Bốn, khi mà chợt bắt gặp bài tập đọc ở trên lớp là một đoạn trích của "Quê nội" miêu tả về tiếng gà gáy vào một buổi sớm mai. Và tôi đã về tìm đọc... Rồi gần 10 năm nay, năm nào cũng vậy, tôi cũng gặp lại "Quê nội" ít nhất một lần, khi chuẩn bị bài giảng cho học sinh. Gặp nhau lâu năm và nhiều như vậy, không hiểu nhau sao được !

...... "Quê nội" được xem như “tự truyện” của Võ Quảng, bởi ông lấy những gì đã trải nghiệm trong tuổi thơ để viết nên câu chuyện ở làng quê xứ Quảng. Người ta cho rằng những nhân vật Cục, Cù Lao phảng phất chính bản thân ông và những con người có thật ở quê ông thời ấy. Bối cảnh của cuốn sách là vùng quê Quảng Nam giai đoạn Cách mạng tháng Tám. Tính chất phác của người dân, sự hồn nhiên của trẻ thơ đưa đến một góc nhìn thú vị về những biến cố lịch sử lúc đó. Bằng hình tượng, ông đã thể hiện tính chất nhân dân sâu sắc của Cách mạng tháng Tám. Ngay cả những nhận thức ấu trĩ: Ngày mai, ngày kia sẽ thịt hết trâu bò để cày máy, phá hết nhà cửa để lên nhà cao tầng bằng gạch ngói, sắt thép do tàu bay Liên Xô chở sang... cũng rất thật và nhuốm mầu lãng mạn nên thơ.

...... Có rất nhiều người thích "Quê nội", với những lí do rất khác nhau. Có người thích bởi dòng văn xuôi tự sự, sống động, giàu có về hình tượng và phong phú về giọng điệu. Dựa vào góc nhìn và tâm lí của chú bé Cục - nhân vật dẫn chuyện - tác giả đã khéo chắp nối, móc xích các chi tiết các sự kiện khiến cho mạch truyện chảy tự nhiên và đầy bất ngờ. Có người lại thích bởi ở "Quê nội” có giọng điệu dân gian, trữ tình dân tộc với đủ thể loại: Hô bài chòi, hát đò đưa, hát bội, kể vè, nói vần, đọc thơ... Tác giả sử dụng nhiều thuật nói trạng, dựa vào tâm lí nhân vật mà lồng truyện trạng vào, (như khi học vần: "ba ba bỏ bể, cá trê phá nhà" là Cục và Cù Lao nổi lên cãi nhau: bắt được ba ba người ta bỏ nồi chứ không ai bỏ bể, cá trê sống trong ao hồ làm sao phá được nhà) v.v... Hoặc tỷ như Zoe - một thành viên của chiasetinhthuong.org - lại thích bởi trong đó có rất nhiều món ăn ngon trong các đám giỗ được miêu tả, mà những lúc đói bụng được đem thưởng thức thì thật là tuyệt :eyelash:... Còn bản thân tôi, tôi thích nhất ở "Quê nội" là đã tái hiện lại được tư thế làm chủ của con người lao động bình thường trong một cuộc sống mới. Không chỉ làm chủ cuộc đời mình khi lịch sử đã sang trang mà còn làm chủ trước thiên nhiên hung dữ. Làm sao không vui khi những người nô lệ, từng chịu cảnh đói rét, chết chợ chết đường; từng sợ hãi từ lão lý trưởng đến cây sung, cây đa, từng bỏ làng ra đi nay được trở về đoàn tụ, trở thành những người tự do, bình đẳng cùng chung sức, chung lòng xây nền độc lập dựng đài tự do. Thật đẹp biết bao hình ảnh dượng Hương Thư khi vượt qua thác dữ: "Những động tác thả sào,rút sào rập ràng nhanh như cắt.Thuyền cố lấn lên. Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn,hai hàm răng cắn chặt,quai hàm bạnh ra,cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ. Dượng Hương Thư đang vượt thác khác hẳn dượng Hương Thư ở nhà,nói năng nhỏ nhẻ,tính nết nhu mì,ai gọi cũng vâng vâng dạ dạ. Đó chính là hình ảnh của con người lao động nhưng với một tư thế mới, thật đẹp. Một vẻ rắn rỏi gân guốc, làm chủ thiên nhiên hung dữ và sánh ngang cùng với các vị thần oai linh hùng vĩ chốn Trường Sơn.... Nhưng dù cho thích vì lí do gì đi chăng nữa, thì chúng ta đều dễ dàng nhận thấy, tất cả đều chung lòng yêu "Quê nội", yêu nét đẹp của thiên nhiên, con người, và cuộc sống ở ngôi làng Hòa Phước bé nhỏ, tôn vinh tình yêu xứ Quảng cũng như tôn vinh tình yêu Tổ quốc...

...... Tôi yêu "Quê nội" ! Hằng ngày, tôi vẫn gắng truyền tình yêu của mình với "Quê nội" tới các em học sinh đặng bắc một nhịp cầu nơi các em, để các em có thể xích lại gần hơn với các tác phẩm truyện thiếu nhi Việt Nam, đặc biệt là với "Quê nội" mà "cảm", mà yêu như tôi ngày xưa, trong thời đại mà internet, games đã chiếm quá nhiều sự quan tâm của các em. Và với riêng tôi, dù giờ đây, có biết bao nhiêu quyển sách mới được mua về, nhưng tôi vẫn dành cho "Quê nội" một vị trí thật trang trọng trong cái giá sách thật nhỏ bé và khiêm tốn của tôi. Bởi ở đó, tôi tìm thấy một phần tuổi thơ thật trong sáng, đáng yêu mà tôi đã từng gửi lại nơi làng quê bé nhỏ, bình dị của tôi...
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
17
0
0

Mẹ Vịt

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Hôm trước em thấy bài về "Bắt trẻ đồng xanh" và "Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời" cơ mà, giờ đâu mất rồi :sigh:?
 
354
0
16

Mr_Ech

Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Hôm trước em thấy bài về "Bắt trẻ đồng xanh" và "Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời" cơ mà, giờ đâu mất rồi :sigh:?
Bài về "Bắt trẻ đồng xanh" thực chất là giới thiệu một cuốn sách lại post riêng thành một topic nên Mod đã gộp vào Topic này rồi, bài thứ 5, chị không thấy àh?

Còn "Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời" em không biết, :eyelash:. Vì từ lúc vào em không thấy. Hình như là bên WTT chứ nhỉ.
 
507
0
0

zoe

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Cám ơn Mr_Ech nhiều :rose: :rose:

Ngoài các món ăn trong ngày cúng giỗ ở làng, zoe còn thích nhiều chi tiết khác của Quê nội. Câu chuyện có khi không nhớ, nhưng có những tình tiết đi theo cả cuộc đời, như chuyện bị hù sẽ phải vào vạc dầu nếu ăn trộm vườn hàng xóm (điều này làm zoe ngày bé lo lắm :)), chuyện diễn tuồng Triệu Tử Long cứu ấu chúa, chuyện Cục ra ôm cây cau để ôn tập thế võ học được từ đội du kích (bị mẹ mắng là làm đổ cây bây giờ :)) ...

Cám ơn Mr_Ech một lần nữa :rose: ...
 
160
0
0

Mẹ Sóng

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Em thì thích đọc nhiều loại truyện lắm, từ tây đến ta, từ Chu Lai đến Sidney Sheldon, nhưng đến giờ thích nhất vẫn là "Con hủi", mê mẩn luôn với Đại công tử Mikhoropxi và nàng Stefa. Đến giờ đọc Chạng vạng có thích cũng ko thể nào bì được với "Con hủi". Em biết đến "Con hủi" vào năm 2002, đến giờ em đã đọc đi đọc lại đến 5 lần rồi, mà lần nào đến đoạn lễ tang của Stefa cũng khóc :smiling: Chưa kể đến việc tác giả miêu tả khung cảnh quá đẹp luôn, lãng mạn vô cùng, cảnh Stefa chờ mong Đại công tử đi săn trở về, cảnh tỏ tình của Đại công tử... Cũng phải cám ơn dịch giả nữa chứ, vì đã truyền tải hết cái đẹp qua từng lời văn, câu chữ, kể cả những lời hội thoại giữa 2 nhân vật chính. Không biết có ai mê mẩn "Con hủi" như em không
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
2,501
0
0

Haidang02

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Mình thì thích nhiều truyện lắm :smiling:, nhưng cuốn truyện đầu tiên in đậm trong tâm trí là Không gia đình. Hồi đó mình còn chưa biết đọc, 3 chị em sàn sàn trứng gà trứng vịt tối nào cũng được mẹ đọc cho nghe trước khi đi ngủ :rose:. Đoạn Rémi phải đi cùng cụ Vitalis - chủ gách xiếc, cố quay lại tìm ngôi nhà của má Barberin, nhìn thấy thấp thoáng bóng má Barberin với chiếc khăn trắng ở xa, rồi kêu lên : Má ơi, má ơi là đoạn mình bị ám ảnh nhất. Cả ba chị em cùng khóc khi nghe mẹ đọc đoạn này...
Và sau này, cuốn truyện dài đầu tiên mình mua tặng con gái, cũng là Không gia đình .
 
2,801
0
0

muathu

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Em thì thích đọc nhiều loại truyện lắm, từ tây đến ta, từ Chu Lai đến Sidney Sheldon, nhưng đến giờ thích nhất vẫn là "Con hủi", mê mẩn luôn với Đại công tử Mikhoropxi và nàng Stefa. Đến giờ đọc Chạng vạng có thích cũng ko thể nào bì được với "Con hủi". Em biết đến "Con hủi" vào năm 2002, đến giờ em đã đọc đi đọc lại đến 5 lần rồi, mà lần nào đến đoạn lễ tang của Stefa cũng khóc :smiling: Chưa kể đến việc tác giả miêu tả khung cảnh quá đẹp luôn, lãng mạn vô cùng, cảnh Stefa chờ mong Đại công tử đi săn trở về, cảnh tỏ tình của Đại công tử... Cũng phải cám ơn dịch giả nữa chứ, vì đã truyền tải hết cái đẹp qua từng lời văn, câu chữ, kể cả những lời hội thoại giữa 2 nhân vật chính. Không biết có ai mê mẩn "Con hủi" như em không
Mẹ Sóng ơi cho muathu tên người dịch và NXB với nhé, truyện hay người dịch hay đọc mới thích :smiling: :love::love::love:
 
2,801
0
0

muathu

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Mình thì thích nhiều truyện lắm :smiling:, nhưng cuốn truyện đầu tiên in đậm trong tâm trí là Không gia đình. Hồi đó mình còn chưa biết đọc, 3 chị em sàn sàn trứng gà trứng vịt tối nào cũng được mẹ đọc cho nghe trước khi đi ngủ :rose:. Đoạn Rémi phải đi cùng cụ Vitalis - chủ gách xiếc, cố quay lại tìm ngôi nhà của má Barberin, nhìn thấy thấp thoáng bóng má Barberin với chiếc khăn trắng ở xa, rồi kêu lên : Má ơi, má ơi là đoạn mình bị ám ảnh nhất. Cả ba chị em cùng khóc khi nghe mẹ đọc đoạn này...
Và sau này, cuốn truyện dài đầu tiên mình mua tặng con gái, cũng là Không gia đình .
Muathu lần đầu đọc không gia đình vào năm 34 tuổi, lần nào đọc xong mắt cũng đỏ hoe, thật tiếc cho các em không bao giờ được biết đến những cuốn sách như thế này, và mơ ước của muathu là sách cho trẻ em ở các vùng quê nghèo :rose::rose::rose::rose::rose:
 
349
0
0

bichthuyhn

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Mình cũng có cùng suy nghĩ và ý thích giống Mẹ Sóng. "Con hủi" hay là "Tình yêu truyền kiếp" của Héléna Minhisec - NXB Hà nội đúng là một thiên tiểu thuyết diễm tình hay tuyệt vời với ngôn ngữ thật sâu sắc, tinh tế và cuốn hút vô cùng. Đọc truyện nhiều khi mình khôn nghĩ là đang đọc mà có cảm giác cùng với cô giáo Stefa lạc vào nơi thiên đường của điền trang Gubroivintre của Đại Công tử Mikharopxki. Cuốn tiểu thuyết đã đưa chúng ta vào thế giới của tình yêu và đẳng cấp trong giới quý tộc châu Âu những năm tháng của thế kỷ 19 và 20. Không thể nói gì hơn hai chữ "Tuyệt vời".

Ngoài ra mình cũng rất thích cuốn "Giữa hai linh hồn" hay "Nô lệ hay Nữ hoàng", rồi cuốn "Bí mật một gia tài" ... những cuốn truyện này rất tinh tế, nhẹ nhàng và cảm động. Mình là người lãng mạn nên rất mê dạng tiểu thuyết cung đình.
 
354
0
16

Mr_Ech

Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Nỗi buồn chiến tranh
Bảo Ninh
Em cũng đọc qua tác phẩm này rồi. Nói là có ấn tượng sâu sắc với nó thì không phải. Nói chung những tác phẩm viết về chiến tranh và hậu chiến của Việt Nam em chưa đặc biệt thích quyển nào. Em nghe một người bạn nói là tác phẩm này được đánh giá cao ở nước ngoài. Chả biết có đúng không, bác Zoe ?

Hôm trước đọc bài của bác xong, em lại nghĩ đến cái nhan đề trước kia của nó: "Thân phận tình yêu"...

Hình như bây giờ, khả năng cảm thụ văn chương của em kém ngày xưa lắm. Nhiều truyện đọc xong ngẩn cả người, không hiểu vừa đọc cái gì :crying:.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
507
0
0

zoe

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Em cũng đọc qua tác phẩm này rồi. Nói là có ấn tượng sâu sắc với nó thì không phải. Nói chung những tác phẩm viết về chiến tranh và hậu chiến của Việt Nam em chưa đặc biệt thích quyển nào. Em nghe một người bạn nói là tác phẩm này được đánh giá cao ở nước ngoài. Chả biết có đúng không, bác Zoe ?

Ý kiến cá nhân của chị là nếu cuốn sách được đánh giá cao ở nước ngoài, có lẽ do mô tả những khía cạnh của cuộc chiến mà nhiều người nước ngoài chưa biết (ví dụ cuộc đời của những người lính trinh sát). Tương tự như Thời xa vắng. Chị nói "nếu" trong câu trên vì chị không quen ai người nước ngoài biết cuốn này cả (trừ mấy người quen trong một số hội từ thiện của Pháp cho trẻ em VN do họ rất quan tâm đến VN, và một số bạn nghiên cứu về văn hóa châu Á).

Còn về nghệ thuật, thì chắc không nhiều đánh giá cao vì bản dịch không hay (đơn giản hóa nhiều khi mô tả, chị đọc cuốn song ngữ nên rất tiện so sánh). Và ngay cả bằng tiếng Việt, chị thấy cách viết của cuốn truyện đôi khi cầu kỳ phức tạp không cần thiết.

Sách VN dịch ra tiếng nước ngoài rất không tiêu biểu cho văn học đương đại của VN. Ở Pháp, chỉ có sách của Dương Thu Hương là được dịch và in nhiều. Tiếc là có nhiều tác giả đặc sắc hơn lại không được dịch.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
354
0
16

Mr_Ech

Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Ý kiến cá nhân của chị là nếu cuốn sách được đánh giá cao ở nước ngoài, có lẽ do mô tả những khía cạnh của cuộc chiến mà nhiều người nước ngoài chưa biết (ví dụ cuộc đời của những người lính trinh sát). Tương tự như Thời xa vắng. Chị nói "nếu" trong câu trên vì chị không quen ai người nước ngoài biết cuốn này cả (trừ mấy người quen trong một số hội từ thiện của Pháp cho trẻ em VN do họ rất quan tâm đến VN, và một số bạn nghiên cứu về văn hóa châu Á).

Còn về nghệ thuật, thì chắc không nhiều đánh giá cao vì bản dịch không hay (đơn giản hóa nhiều khi mô tả, chị đọc cuốn song ngữ nên rất tiện so sánh). Và ngay cả bằng tiếng Việt, chị thấy cách viết của cuốn truyện đôi khi cầu kỳ phức tạp không cần thiết.

Sách VN dịch ra tiếng nước ngoài rất không tiêu biểu cho văn học đương đại của VN. Ở Pháp, chỉ có sách của Dương Thu Hương là được dịch và in nhiều. Tiếc là có nhiều tác giả đặc sắc hơn lại không được dịch.
Em cũng thích Dương Thu Hương với "Bên kia bờ ảo vọng" chị ạh. Tác giả Việt Nam ở nước ngoài có Phạm Thị Hoài đọc cũng được. Chị có đọc Phạm Thị Hoài không?

Em không biết ngoại ngữ nên không đọc được bản tiếng Anh. Bạn em làm ở một đại sứ quán nói vậy nên em biết vậy chứ thật lòng em không thích lắm với "Nỗi buồn chiến tranh". Em thích lối viết chân thực hơn. Thực ra, những vấn đề lớn lao được diễn đạt giản dị, chân thực vẫn hay hơn, phải không chị (quan niệm như vậy nên khi viết bài em diễn đạt cực kỳ giản dị :grin:) ?

Chị có nhiều truyện cổ điển không, cho em mượn đọc ké với :eyelash:. Bọn em ở quê, ít có cơ hội tiếp xúc lắm :sad:...
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
19
0
0

Diên Khánh

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Cảm ơn Mr_Ech.

Bài viết của Mr_Ech hay quá. Đúng là cuốn sách để lại những cảm xúc rất mạnh. Ngày nhỏ mình thích nhất Quê nội. Đọc đi đọc lại nhiều. Mỗi lần đói bụng mang ra đọc đọan tả những lần cúng giỗ các món ăn. Êm ả hơn nhưng cũng nhiều sự kiện lịch sử.

Không biết trong thời gian tới, những cuốn truyện viết vê tuổi thơ sẽ thế nào nhỉ: thay vì đánh trận giả bên bờ sông, sẽ là chơi games ngoài quán net :) ...

Nhưng dù thế nào, thì tuổi thơ vẫn cứ mãi mãi là quãng đời đẹp nhất !!
Cùng bộ với Quê nội là quyển Tảng sáng, chắc chị đọc rồi, đọc hay không kém, cười vãi è, duyên dáng tệ. Sách thiếu nhi Việt Nam cùng kiểu còn có vài quyển, hay dã man tha thiết:

- Tuổi thơ im lặng - Duy Khán
- Miền thơ ấu - Vũ Thư Hiên

Ngày xưa em còn thích Lẵng hạt ngọc của Lê Minh và Cây vĩ cầm cảm lạnh của Nguyễn Phan Hách nữa. Giờ muốn đọc lại ko có.
 
Top