Những cuốn sách yêu thích

354
0
16

Mr_Ech

Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Mình thì thích nhiều truyện lắm :smiling:, nhưng cuốn truyện đầu tiên in đậm trong tâm trí là Không gia đình.
....................................... Không gia đình

...............................................Tặng chị Haidang02:rose:



......Chị nhỉ ! Ngày mới quen nhau trên diễn đàn, em có nói với chị, hai cuốn sách nước ngoài được em yêu thích nhất là “Ruồi trâu” và “Không gia đình”. Hai cuốn truyện này luôn hiện hữu trên kệ sách của em, trang trọng và đẹp đẽ. Nhưng em vẫn ao ước, nếu có được người đề tặng, thì thú vị hơn nhiều. Với việc đề tặng “Ruồi trâu” và gửi qua đường bưu điện, chị đã biến... một nửa ước ao của em thành hiện thực :eyelash:. Còn “Không gia đình”, với bài giới thiệu này, cùng lời đề tặng riêng chị, em... hi vọng lắm, :eyelash: !

......“Không gia đình” được xem là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của văn hào Pháp Hector Malot, được xuất bản năm 1878. Tác phẩm kể về quãng đời tuổi thơ đầy bất hạnh của một cậu bé tên là Rê-mi. Rê-mi là một đứa bé bị bỏ rơi, được chăm sóc trong vòng tay yêu thương của má Bác-bơ-ranh. Cho đến một ngày người chồng của má làm việc ở Pa-ri bị tai nạn và tàn phế trở về, buộc lòng đem Rê-mi đi bán cho gánh xiếc của cụ Vi-ta-li. Hai người đã đi lang thang khắp mọi miền nước Anh và Pháp trình diễn xiếc để kiếm sống. Rê-mi đã rất dũng cảm vượt qua mọi gian nan, thử thách cùng những biến cố liên tiếp xảy ra trong cuộc sống. Đã có khi em và cả đoàn lang thang mấy ngày không có chút gì trong bụng. Đã có khi em suýt chết rét. Đã có khi em bị lụt ngầm chôn trong giếng mỏ mười mấy ngày đêm. Đã có khi em mắc oan bị giải ra trước toà án và bị bỏ tù... Để rồi một ngày hạnh phúc đã mỉm cười với Rê-mi. Em đã gặp lại người mẹ của mình. Với đức tính nhân hậu, ơn nghĩa trước sau Rê-mi đã đền đáp lại công ơn của những người đã giúp đỡ mình trong những ngày khổ cực. “Không gia đình” thực sự là một cuộc hành trình của Rê-mi với những người bạn nhỏ của cậu. Nó được viết để ca ngợi những phẩm chất cao quý, tinh thần tự lập và tình bạn cao cả, thể hiện được tình thương người, lòng biết ơn, tình hữu ái giữa các tầng lớp lao động nghèo khổ. Nhân vật trung tâm - Rê-mi - dù ở đâu, trong cảnh ngộ nào, vẫn noi theo nếp rèn dạy của ông già Vi-ta-li giữ phẩm chất làm người, nghĩa là ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, thương người, ham lao động, không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, gian giảo, nhớ ơn nghĩa, luôn luôn muốn làm người có ích…

......Có người cho rằng, đọc "Không gia đình" thấy có chút gì đó bất công. Cái kết cục "có hậu" chỉ được xây dựng cho nhân vật chính và người bạn mồ côi của cậu. Còn bao số phận khác, bao số phận cũng khổ đau, cũng bất hạnh thì sao ? Rồi rằng, Rêmi tôn trọng những người dân nghèo khổ nhưng cậu lại thực sự khâm phục những người giàu có, có địa vị cao trong xã hội… Có thể là đúng... Nhưng với những xúc cảm mà tác phẩm mang lại cho mình, em vẫn thích “Không gia đình” vào hàng bậc nhất. Thích bởi giọng văn trong sáng, mộc mạc, không lên gân, không mùi mẫn mà từ từ đi vào lòng người. Và đặc biệt thích, bởi chất nhân văn thấm đậm từ đầu đến cuối tác phẩm. Hẳn mỗi khi nhớ về câu chuyện này, chị không thể không nhớ đến lần về thăm má Bác-bơ-ranh của Rê-mi sau bao năm lưu lạc, phải không? Chuyến về thăm má của cậu bé Rê-mi có quà cho má. Đó là một con bò sữa được mua bằng tiền những ngày hát dạo của Rê-mi và Mat-chi-a thay thế cho con bò sữa cũ của má đã bị ông Bác-bơ-ranh bán đi. Không chỉ má Bác-bơ-ranh có được niềm kinh ngạc có bò trong chuồng, được niềm vui chăm sóc đứa trẻ thơ, nhìn nó ăn bằng con mắt trìu mến mà Rê-mi và Mát-chi-a cũng sung sướng không kém, được sống trong không khí gia đình trước kia, được hưởng sự chăm sóc dịu dàng của má, được “ngấu nghiến” ăn những chiếc bánh ngon lành do bàn tay của má làm... Phải chăng tính nhân văn và thông điệp gửi gắm trong tác phẩm đã làm cho "Không gia đình" trở nên nổi tiếng?

......Xuyên suốt cuộc phiêu lưu của Rê-mi có rất nhiều con người tốt bụng, cao thượng để lại cho chúng ra nhiều ấn tượng mạnh mẽ. Chị có thích gánh xiếc rong và những "bạn diễn" của Rê-mi không ? Hình ảnh đoàn xiếc gồm cụ Vi-ta-li tài hoa chuyên hát và đánh phong cầm, ba con chó đáng yêu (Capi, Zerbino và Dolce) và con khỉ láu lỉnh hay làm nũng Jo-li-xơ luôn đem đến cho em thật nhiều cảm xúc...

......Đến bây giờ, chúng ta vẫn thích cuốn truyện này, điều đó minh chứng rằng, truyện không chỉ dành cho các em thiếu nhi mà người lớn chúng ta khi “soi” mình vào đấy cũng cảm nhận được niềm tin, tình yêu mãnh liệt ở cuộc sống và ý chí để vượt lên những khó khăn, gian khổ. Chị đã tặng cho con gái cuốn truyện này với mong muốn gì thế ? Phải chăng, chị muốn dạy con gái mình biết tôn trọng tình bạn và sống có tình nghĩa, có trước có sau, cho con gái thấy rằng sự học là mãi mãi... như chúng ta xưa kia đã học được những điều ấy từ cậu bé Rê-mi của nước Pháp xa xôi...
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
507
0
0

zoe

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Cám ơn cả nhà :rose: nhắc đến những cuốn sách mà mỗi chúng ta có bao nhiêu kỷ niệm.

Về "Không gia đình", không hiểu sao zoe ko quên được chi tiết chú bé trổ tài tiếng Anh để tìm nhà, bị bác "phớt" Ăng-lê trả lời lại bằng tiếng Pháp là "Chú mày cứ nói tiếng P dễ hiểu hơn" :D.

Mr_Ech: Tác phẩm gần đây của hai nhà văn DTH và PTH, chị đọc thấy mệt :), không hiểu tại sao. Cũng giống Mr_Ech, chị thích truyện gì cứ đơn giản thôi, như Nguyễn Ngọc Tư ấy, đọc xong chỉ muốn đi thăm Nam bộ.
Mr_Ech ở quê nào đấy, có đẹp như quê nội của Cục không??
 
507
0
0

zoe

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Có người cho rằng, đọc "Không gia đình" thấy có chút gì đó bất công. Cái kết cục "có hậu" chỉ được xây dựng cho nhân vật chính và người bạn mồ côi của cậu. Còn bao số phận khác, bao số phận cũng khổ đau, cũng bất hạnh thì sao ? Rồi rằng, Rêmi tôn trọng những người dân nghèo khổ nhưng cậu lại thực sự khâm phục những người giàu có, có địa vị cao trong xã hội… Có thể là đúng...

Xuyên suốt cuộc phiêu lưu của Rê-mi có rất nhiều con người tốt bụng, cao thượng để lại cho chúng ra nhiều ấn tượng mạnh mẽ. Chị có thích gánh xiếc rong và những "bạn diễn" của Rê-mi không ? Hình ảnh đoàn xiếc gồm cụ Vi-ta-li tài hoa chuyên hát và đánh phong cầm, ba con chó đáng yêu (Capi, Zerbino và Dolce) và con khỉ láu lỉnh hay làm nũng Jo-li-xơ luôn đem đến cho em thật nhiều cảm xúc...
So với Rê-mi, Oliver Twist kém may mắn hơn nhiều. Dù Rê-mi sống cảnh nghèo khó, cậu vẫn có những người bạn. Người ta nói cuốn sách được trẻ con và thiếu niên yêu thích vì nó đề cập đến sự bỏ rơi. Nếu thông điệp của Hector Malot là dù có bị bỏ rơi, ai cũng sẽ tìm lại cho mình một mái nhà. Thông điệp của Dickens còn mạnh hơn thế, dù có rơi vào khoảng tăm tối nhất, sẽ có lúc hạnh phúc mỉm cười. Dĩ nhiên Dickens muốn phản ánh hiện thực xã hội Anh, ông không buộc tội những người vì nghèo khó mà làm việc xấu, nhưng người giúp Oliver Twist lại là một người khá giả.

Từ hai cuốn sách, có lẽ lòng nhân hậu, tình thương không phụ thuộc vào địa vị giàu nghèo nhỉ, chỉ cần chia sẻ mà thôi, như các mẹ ở CSTT vậy :rose:.

Nhắc lại hai cuốn sách này, mình nhớ đến một bé gái từng bị bỏ rơi, với khả năng mắc căn bệnh y học bó tay, được các mẹ ở CSTT giúp. Có những bức ảnh cô bé ấy cười tươi, thấy trẻ thơ đúng là thiên thần. Cuối cùng cô bé cũng tìm được mái nhà cho mình. Như chuyện cổ tích vậy :rose:. Mình vẫn thỉnh thoảng nhớ về cô bé ấy, và tự hỏi giờ này lớn thế nào rồi nhỉ, chắc đi học rồi đây.

PS: Đang tự hỏi sẽ có tiếp bài nào về cuốn này không đây :smiling:. Đây cũng là một cuốn sách zoe thích (gần nhất).
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
2,501
0
0

Haidang02

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

.
Mr_Ech nói:
. Không gia đình

...............................................Tặng chị Haidang02:rose:



......Chị nhỉ ! Ngày mới quen nhau trên diễn đàn, em có nói với chị, hai cuốn sách nước ngoài được em yêu thích nhất là “Ruồi trâu” và “Không gia đình”. Hai cuốn truyện này luôn hiện hữu trên kệ sách của em, trang trọng và đẹp đẽ. Nhưng em vẫn ao ước, nếu có được người đề tặng, thì thú vị hơn nhiều. Với việc đề tặng “Ruồi trâu” và gửi qua đường bưu điện, chị đã biến... một nửa ước ao của em thành hiện thực :eyelash:. Còn “Không gia đình”, với bài giới thiệu này, cùng lời đề tặng riêng chị, em... hi vọng lắm, :eyelash: !
Một lời đề nghị ... khó từ chối :smiling::grin:


Mr_Ech nói:
.Chị đã tặng cho con gái cuốn truyện này với mong muốn gì thế ? Phải chăng, chị muốn dạy con gái mình biết tôn trọng tình bạn và sống có tình nghĩa, có trước có sau, cho con gái thấy rằng sự học là mãi mãi... như chúng ta xưa kia đã học được những điều ấy từ cậu bé Rê-mi của nước Pháp xa xôi...
Tặng truyện cho con gái, điều đầu tiên là chị muốn chia sẻ cảm xúc thời thơ ấu với con, rồi sau đó hy vọng các con có sự say mê với sách... Nói chung, sách truyện và âm nhạc luôn là ưu tiên số một cho bọn trẻ...
Hồi nhỏ thì Đất rừng phương nam, Không gia đình, Oliver Twist, Những tấm lòng cao cả, Túp lều bác Tôm, hai vạn dặm dưới biển... lớn lên chút nữa thì thêm Nhà thờ đức bà, Những người khốn khổ, Mùa tôm... tóm lại là tất cả những ngày lễ trong năm đều ... tặng truyện :smiling:

PS: Đang tự hỏi sẽ có tiếp bài nào về cuốn này không đây :smiling:. Đây cũng là một cuốn sách zoe thích (gần nhất).
Cái này lại hy vọng ... Ếch thôi :eyelash:. Chị rất muốn tặng Zoe một bài nhưng khả năng viết kém quá nên đành chịu :smiling: (khả năng lớn nhất của chị là ... tán nhảm :grin::grin::grin:)

Rất yêu cái topic này của Zoe và lần nữa cảm ơn Ếch (chờ quà của chị vào ngày 20/11 nhé :rose:)
 
507
0
0

zoe

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Mr_Ech nói:
... hai cuốn sách nước ngoài được em yêu thích nhất là “Ruồi trâu” và “Không gia đình”.
Hãy dạy tôi làm cách mạng, tôi sẽ dạy em thế nào là tình yêu :angle: (*)

Tặng chị HaiDang02 và Mr_Ech :rose:
Tặng cả cho cha tác giả, George Boole, nhà logic học mà không có ông chưa chắc chúng ta được ngồi tán phét trong một thế giới vừa thực vừa ảo thế này :angle:​

Tôi đọc cuốn Ruồi Trâu hai lần. Một lần lúc cấp hai và một lần lúc cấp ba. Đó không phải là cuốn sách tôi rất thích, nhưng là một cuốn sách gây ấn tượng rất mạnh (sẽ kể sau (**) :smiling:).

Lần đầu tiên đọc, tôi không hiểu lắm. Lần thứ hai, đang ở tuổi muốn chống lại mọi luật lệ của người lớn, tôi bị cuốn hút bởi những ngày tuổi trẻ của Arthur. Dĩ nhiên tôi luôn tin vào phân tích của những nhà phê bình, nhưng tôi vẫn thấy cách mạng chỉ là một trong những chủ đề chính của tác phẩm. Điều nổi bật mà tác giả không dứt ra được là khát vọng tự do và tình yêu (tác giả là một phụ nữ mà :smiling:). Arthur bỏ đi, không hẳn vì cảm thấy bị phản bội bởi chính cha đẻ của mình, bởi người đại diện cho tổ chức tôn giáo mà Arthur tin tưởng, hay vì sự nghi ngờ của cô gái anh yêu. Arthur bỏ đi, vì muốn thoát khỏi nước Ý về chính trị bị đè ép bởi nước ngoài, về tinh thần bị bó chặt trong thế giới của Nhà thờ. Arthur thất vọng và không tin vào phong trào phản kháng của giới thanh niên Ý. Điều này thấy rất rõ qua quan điểm của ông khi đã thành Ruồi Trâu, quay về và tiếp cận với họat động của tổ chức cũ.

Ruồi Trâu đấu tranh cho tự do của nước Ý, nhưng ông lại không dám đấu tranh cho tình yêu :smiling:. Cậu thanh niên bỏ đi để trả thù tình yêu, vì tình yêu đã đưa cậu đến những đau khổ nhất. Cậu muốn những người làm cậu đau khổ hiểu nỗi đau họ gây ra. Thế nhưng sự trả thù đó không đem đến cho Ruồi Trâu trong đời thường sự bình an, sự tự tin và sáng suốt như Ruồi Trâu trong họat động cách mạng. Tình yêu dành cho những người ông muốn trả thù vẫn còn nguyên vẹn, và sự trả thù chỉ càng làm tình yêu đó mạnh hơn.

Khi đọc Ruồi Trâu lần thứ hai, không còn hồi hộp về những diễn biến của câu chuyện nữa, nhưng tôi vẫn cứ mong Ruồi Trâu hãy tha thứ, hãy thể hiện tình yêu ông giữ trong lòng, để Gemma đừng dằn vặt nữa, để "mọi sóng gió bão táp" trong quá khứ của đời anh ngừng "xô mãi" lên đời cô. Mong ông hãy gọi Padre, để cha của ông được một chút thanh thản. Có lẽ Ruồi Trâu thầm ngưỡng mộ cô gái Di-gan không ngần ngại thể hiện tình yêu của mình, bất chấp tình yêu đó không được đáp lại. Dù sao, cuộc sống đôi khi không do chúng ta lựa chọn.

Câu kết thúc của cuốn sách vẫn ám ảnh tôi mãi: "Đức Hồng y giáo chủ đã đột ngột từ trần vì vỡ tim. Còn từ nào đủ nghĩa hơn thế".

Chú thích
(*) Một câu nói không nhớ nghe được ở đâu :laughing:.
(**) Chuyện "sẽ kể sau" như thế này ... Cuốn sách lần đọc thứ hai ấn tượng quá nên mình quyết định ... thử viết văn :laughing:. Vậy chứng tỏ mình cũng phải rất thích cuốn sách đấy nhỉ :angle:. Ấn tượng nhất là lá thư vĩnh biệt của Arthur, nên mình nghĩ sẽ phải viết một truyện có một lá thư tương tự. Về nội dung, do đang trong giai đọan đọc Agatha Cristie hơi nhiều, nên câu chuyện dự định sẽ thuộc thể loại trinh thám, ai đó mất tích và công an tìm được lá thư vĩnh biệt. Viết được vài trang, mang cho một đứa bạn thân đọc, bắt nó thề không được kể cho ai, nó đọc xong tuyên bố: Mình thấy cậu viết cũng được, nhưng theo mình câu cứ nên học Toán Lý Hóa để thi khối A :laughing:. Giận nó ghê, nhưng cũng thấy mừng thầm vì viết được mấy trang đó là .. tịt.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
354
0
16

Mr_Ech

Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Hãy dạy tôi làm cách mạng, tôi sẽ dạy em thế nào là tình yêu :angle: (*)

Tặng chị HaiDang02 và Mr_Ech :rose:
Tặng cả cho cha tác giả, George Boole, nhà logic học mà không có ông chưa chắc chúng ta được ngồi tán phét trong một thế giới vừa thực vừa ảo thế này :angle:​
Cảm ơn chị :rose:!

Thực ra, em thích cuốn sách này, không phải vì lý tưởng cách mạng (một chủ đề khiến cho "Ruồi Trâu" trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ thanh niên). Em thích bởi chủ đề thứ 2, đó chính là khát vọng tình yêu...

Đọc cuốn sách, em đã nhiều lần nghĩ, Ruồi Trâu đang đấu tranh, không phải vì lý tưởng cách mạng mà là để giành lại người cha từ tay Chúa...
 
354
0
16

Mr_Ech

Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Đang tự hỏi sẽ có tiếp bài nào về cuốn này không đây :smiling:. Đây cũng là một cuốn sách zoe thích (gần nhất).
Cái này lại hy vọng ... Ếch thôi :eyelash:.
Nói thật là em chưa đọc cuốn này chị ạh. Nên cái hi vọng của chị HD02 cũng mong manh lắm... :sigh:

Quê em không giống Quê của cậu bé Cục đâu, vì quê của Cục là một làng thuộc vùng Nam Trung Bộ, còn quê em thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Cảnh sắc quê em giống hệt như trong "Tuổi thơ im lặng" ấy. Bây giờ đang là thời điểm "Giời chớm hè. Cây cối um tùm. Cả làng thơm. Cây hoa lan nở trắng xóa. Hoa giẻ từng chùm mảnh dẻ. Hoa móng rồng bụ bẫm thơm như mùi mít chín ở góc vườn ông Tuyên. Ong vàng, ong vò vẽ, ong mật đánh lộn nhau để hút mật ở hoa. Chúng đuổi cả bướm. Bướm hiền lành bỏ chỗ lao xao. Từng đàn rủ nhau lặng lẽ bay đi".
 
8
0
0

Anthology

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Hôm nay có một người bạn ở xa lắm, gọi về bảo rằng: Anth tìm lại cho mình một cuốn “Jane Eyre”

Bạn đang trên đường đi tìm hạnh phúc của mình. Có lẽ bạn cần cuốn sách này như một người bạn đồng hành.

Nhớ lại ngày trước, mình từng cảm hứng viết vài dòng về “Jane Eyre”. Post ở đây để ủng hộ topic của bạn Zoe.

"Jane Eyre" hay là hành trình đi kiếm tìm hạnh phúc

"Jane Eyre" được xem là kiệt tác của Charlotte Bronte (1916 - 1855), một thành viên của gia đình Bronte với ba người con gái viết văn tài hoa nhưng yểu mệnh. Charlotte Bronte còn có hai người em gái là Emily Jane Bronte (1818 - 1848) và Anne Bronte (1820 - 1849) đều nổi tiếng không thua kém chị, trong đó Emily Bronte được đông đảo độc giả Việt Nam biết đến với tác phẩm "Đồi gió hú".

Xuất thân từ một gia đình mục sư nghèo nhưng các chị em nhà Bronte đều có tài năng văn chương, âm nhạc và hội họa. Vùng Yorkshire (miền Bắc nước Anh) với khung cảnh thiên nhiên ảm đạm, những ngọn đồi hoang vu, những lâu đài lạnh lẽo, đồ sộ và những cơn gió mùa đông tê tái, đã đi vào tác phẩm của cả ba chị em.

Jane Eyre là câu chuyện về một cuộc hành trình dài đi kiếm tìm hạnh phúc của một cô gái nghèo, không sắc đẹp, không tài sản. Gia tài duy nhất chỉ là một trái tim nhân hậu, giàu lòng yêu thương và sự cương trực, thẳng thắn.

Một đứa trẻ bị mồ côi, sống với người mợ tàn nhẫn, kênh kiệu và những người em họ ích kỷ. Trong gia đình ấy, ngày nào Jane Eyre cũng có thể bị đánh đập, ngược đãi và hất hủi. Khi Jane mới 10 tuổi, người mợ là bà Sarah Reed đã gửi cô bé vào trường Lowood, một trường học dành cho trẻ mồ côi với điều kiện sống thiếu thốn, khắc nghiệt. Rời trường Lowood khi 18 tuổi, Jane xin làm gia sư tại lâu đài Thornfield. Tại đây Jane đã gặp và đã yêu Rochester, ông chủ lâu đài. Mối tình của họ nồng nàn, say đắm, nhưng gặp phải một trở ngại không thể vượt qua. Rochester đã có vợ, một người vợ còn sống nhưng bị điên. Đám cưới không thành, Jane lặng lẽ rời bỏ lâu đài Thornfield. Cô đến Marsh End, được anh em mục sư St. John cứu giúp. Họ lại chính là những người anh em họ của cô. St. John cầu hôn Jane nhưng cô từ chối vì vẫn không thể quên được Rochester. Nhờ nhận được gia tài của 1 người họ hàng ở xa, Jane trở nên giàu có. Trái tim thúc giục cô quay về Thornfield, gặp lại Rochester. Lúc này ông đã trở nên mù lòa, tàn phế, người vợ điên đã chết. Jane đã ở lại Thornfield, sống với Rochester trong tình yêu và hạnh phúc.

Một câu chuyện tình với lối kết thúc có hậu theo kiểu cổ điển. Một motif cũng rất quen thuộc: tình yêu và sự chênh lệch đẳng cấp, tuổi tác. Tình yêu với những trở ngại, cách ngăn không thể vượt qua.

Điều làm cho người đọc trăn trở, bâng khuâng chính là hành trình đi kiếm tìm hạnh phúc của Jane Eyre. Đó là một hành trình dài. Trong cuộc hành trình ấy, Jane Eyre đã đôi lần chạm tay vào hạnh phúc, thậm chí tưởng như đã hái được quả ngọt của tình yêu. Mối tình của cô gia sư bé nhỏ với ông chủ lâu đài thô tháp là mối tình của hai con người đồng cảm được với nhau về tâm hồn, trân trọng nhau về tính cách.

Nhưng giữa lúc hạnh phúc nhất, khi đứng trước bàn thờ Chúa để thề nguyền, cũng lại là lúc Jane đau khổ nhất vì không thể lấy được người mình yêu. Cô gái đành rời khỏi lâu đài. Ngày trước đến đây với hai bàn tay trắng, thì bây giờ Jane cũng tay trắng bỏ đi. Chỉ khác là cô mang theo một trái tim trống rỗng.

Đi tiếp trên con đường tìm hạnh phúc, Jane Eyre cũng đã may mắn gặp được họ hàng, những người yêu thương mình. Nhưng cô vẫn biết rằng hạnh phúc đích thực của mình đã ở lại tòa lâu đài Thornefield, với người đàn ông tên Rochester, người đàn ông kiêu hãnh mà dễ bị tổn thương, ngạo mạn mà yếu đuối, thô tháp mà tinh tế.

Trái tim của Jane mách bảo, đây là người đàn ông duy nhất mà mình luôn yêu, luôn hướng về. Và cô đã đi ngược lại đoạn đường dài, để quay lại với lâu đài Thornfield. Tại đây, cuối cùng cô đã tìm được hạnh phúc, lần này là hạnh phúc mãi mãi.

Thu hút người đọc bằng một giọng kể pha chút màu sắc huyền bí, bằng lối phân tích nội tâm sâu sắc, bằng những đoạn văn miêu tả phong cảnh thiên nhiên vùng đồng quê nước Anh đẹp trầm buồn, Charlotte Bronte làm cho người đọc vui buồn theo những bước chân của cô gái Jane Eyre đi tìm hạnh phúc trên đường đời.

Trong cuộc đời, có những tình yêu đến thật dễ dàng, có những mối tình luôn say trong mật ngọt, có những tình yêu mà đôi tình nhân luôn bước trên những con đường rải đầy hoa.

Và cũng có những tình yêu là những hành trình dài đi kiếm tìm hạnh phúc. Hành trình càng dài, khả năng xảy ra mất mát, bất hạnh càng lớn. Jane Eyre đã trải qua một hành trình dài như vậy. Dù biết hạnh phúc luôn đứng chờ con người ở cuối chặng đường, nhưng trên con đường dài ấy, có biết bao người đã ngã lòng, dừng chân, và có mấy ai kiên trì đi hết như Jane Eyre?
 
47
0
0

Dì_Bé

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

"Jane Eyre" em đọc mãi mà... hoàn toàn ko hiểu.

Trong mấy tác phẩm nổi tiếng thế giới thì Jane Eyre là 1, Đi tìm thời gian đã mất là 2 và Don Kihote là 3...em nói thật là ko thấy hay tí nào. Hoặc nói cách mềm hơn là: Thấy trình mình chưa đủ để thấy nó hay.

Mới đây em đọc Người đua diều, rất hợp. Mà mới cũng cách...1 năm rồi :((
 
507
0
0

zoe

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Anth : @};-@};-@};-@};-@};-@};-@};- (diễn đàn hạn chế số icons nên chỉ tặng được có thế).

Về Jane Eyre, mình cũng đọc lúc nhỏ quá, nên không cảm được mối tình của Jane, chỉ rất ấn tượng về tuổi thơ của nàng. Hôm trước đọc bài về Mẫu Liễu Hạnh và Đoàn Thị Điểm, mình nhớ đến Jane Eyre. Trong truyện này, Charlotte Bronte cũng bộc lộ sự tự chủ của người phụ nữ. Trong đời Jane lúc nào cũng có sự áp đặt của những người đàn ông, nhưng Jane luôn tự chọn số phận cho mình, bất kể sự áp đặt đó xuất phát từ sự độc ác, hay tình thương hay cả tình yêu.

Mình rất thích văn học Anh giai đoạn này. Thêm một bức ảnh minh họa nào :smiling::rose:




==========================================================================

Dọn dẹp blog ra được bài này..., từ nước Anh Victorian vượt không thời gian và thời gian đến post-modernist phía bên kia Đại Tây Dương nhé :smiling:



The music of chance - Paul Auster

20/05/2006
Sự ngẫu nhiên đầu tiên bắt đầu khi Nashe được một ông luật sư báo là cha anh, người bỏ ba mẹ con từ lúc anh còn nhỏ và chưa bao giờ tìm gặp lại, để cho anh món tiền thừa kế hai trăm ngàn đô la. Giá món tiền đó đến sớm hơn thì vợ anh Therese chưa chắc đã bỏ đi và anh không phải gửi con đến Minnesota cho người chị gái vì điều kiện nghề nghiệp bắt buộc.

Nashe làm trong đội cứu hoả của thành phố Boston. Việc đầu tiên anh làm khi nhận số tiền thừa kế là xin nghỉ phép, mua một chiếc xe hơi Saab đời mới nhất và lên đường đi Minnesota để đón con gái về. Nhưng trớ trêu thay con gái anh đã bắt đầu quen với cuộc sống êm đềm trong gia đình mới mà anh hiểu dứt nó ra khỏi bây giờ sẽ là một cú sốc. Đúng là tiền không làm thay đổi được định mênh. Nashe ở lại chơi với con rồi quyết định quay về Boston. Ít ra đó là nơi anh nói sẽ quay về nhưng khi rẽ nhầm đường vào xa lộ, đáng ra có thể quay lại anh vẫn cứ lái tiếp vì Boston hay một nơi khác điều đó có gì quan trọng nữa.

Thế là trong suốt 3 tuần nghỉ phép Nashe lái xe đi hết nơi này đến nơi khác. Chiếc xe Saab như có một quyền lực bí hiểm níu kéo anh. Hết phép, quay lại công việc cũ ở Boston, anh thấy mình không còn yêu công việc như xưa nữa, anh chỉ có một ước muốn duy nhất, ngồi sau vô lăng chiếc Saab và lái đi đến nơi vô định. Thế là Nashe quyết định thanh toán, bán và cho những thứ trong ngôi nhà cũ, xin thôi việc và lên đường. Chiếc piano quà tặng SN của mẹ anh là vật mà Nashe quyến luyến nhất, anh chơi nhạc lần cuối, đánh những bài nhạc quen thuộc đến lúc những ngón tay tê đi, rồi gọi người mang chiếc piano đi.

Thế là cuộc đời mới bắt đầu, chỉ cần ngồi vào xe, những khúc nhạc cổ điển vang lên, chiếc xe lăn bánh là hạnh phúc tràn ngập xung quanh. Tối đến anh dừng lại ngủ trong một mótel nào đó, đọc sách và nghiên cứu cẩn trọng hành trình cho ngày hôm sau. (Híc, anh lính cứu hoả của Paul Auster chơi nhạc cổ điển và đọc Rousseau :smiling:). Và rồi một ngày anh tình cờ gặp lại cô nhà báo trước đã từng theo anh để viết một bài phóng sự có tựa đề: Một ngày với người lính cứu hoả của Boston. Cô gái ấy có nhiều cảm tình với anh, nhưng lúc đó anh đã có gia đình. Và dĩ nhiên bây giờ chẳng còn gì ngăn cản họ đến với nhau. Cô nhà báo trẻ vẫn biết Nashe sẽ lại lên đường tiếp tục cuộc lãng du của anh, nhưng anh hứa sẽ quay trở lại. Nashe lại tiếp tục hành trình của mình đến một ngày anh nhận ra số tiền hai trăm ngàn nay chỉ còn lai ba mươi ngàn, mọi cố gắng cắt giảm chi phí ăn uống khách sạn cũng không làm Nashe quên là cuộc hành trình này sẽ sap kết thúc. Anh quyết định lái tiếp đến khi còn hai mươi ngàn đô và sau đó sẽ gọi điện cho cô nhà báo, cầu hôn với cô và đón Juliette con gái anh về. Cái viễn tường hạnh phúc gia đình ấy tan như mây khói khi cô nhà báo khóc trên máy điện thoại và nói anh hãy quên cô đi vì cô đã có người khác. Điều ngẫu nhiên không chờ đợi thứ hai !!

Nhưng điều đó chưa là đáng nhớ so với điều ngẫu nhiên tiếp theo. Đó là ngày mà Nashe gặp một cậu bé mặt mày bê bết máu bên lề đường mà anh đã bế lên xe mình. Cậu bé đó tên là Pozzi, làm nghề chơi poker, đang cần tiền để đến chơi poker theo lời mời của hai nhà triệu phú ở Pennsylvania. Kế hoạch của cậu là sẽ kiếm một món to với hai nhà triệu phú nhiều tiền nhưng ít kinh nghiệm poker này.

Sự ngẫu nhiên sẽ đưa Nashe và Pozzi đến một cuộc phiêu lưu đầy bất ngờ và bí hiểm, cũng để người đọc khám phá ra những điều rất đẹp trong tình bạn của hai người.

Muốn biết Pozzi có kiếm được món tiền to như dự định không, và Nashe có được tiếp tục cuộc lãng du của mình không, mời các bạn xem tiếp truyện The music of chance của Paul Auster. Đến đây mới là một phần ba câu chuyện, hai phần ba còn lại hoành tráng hơn rất nhiều.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
354
0
16

Mr_Ech

Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Thích quá ! Hôm nay vào đọc thấy hẳn hai bài. Thích ơi là thích. Cảm ơn các bác !

Em mới đọc Jane Eyre cách đây mấy năm. Em thấy rất hay. Tặng bác Anthology này, @};-@};-@};-.

Còn cái mà bác Zoe đang viết, nói thật, em ứ bit nó là cái gì. Huhu...

Có ai thích "Hãy để ngày ấy lụi tàn" không ? Em đang viết về nó đây.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
354
0
16

Mr_Ech

Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

"Jane Eyre" em đọc mãi mà... hoàn toàn ko hiểu.

Trong mấy tác phẩm nổi tiếng thế giới thì Jane Eyre là 1, Đi tìm thời gian đã mất là 2 và Don Kihote là 3...em nói thật là ko thấy hay tí nào. Hoặc nói cách mềm hơn là: Thấy trình mình chưa đủ để thấy nó hay.

Mới đây em đọc Người đua diều, rất hợp. Mà mới cũng cách...1 năm rồi :((
Cho em spam phát: Dì Bé có phải đã ở WTT và cũng đi Ninh An, phải không ?
 
8
0
0

Anthology

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

@ Zoe: Chờ tiếp bài viết của bạn. @};-@};-

@ Mr_Ếch: Chị rất thích "Hãy để ngày ấy lụi tàn". Đọc từ khi còn rất nhỏ. Cuốn sách bìa mỏng, giấy đen, vừa đọc vừa nghẹn ngào. Và cũng rất chờ bài viết của em.@};-@};-
 
2,501
0
0

Haidang02

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Mình cũng chờ bài viết của các bạn @};-:x
Ba chị em nhà Brontë mình cũng chỉ được đọc có Jane Eyre và Đồi gió hú (Emily Brontë).
Đọc bài của Zoe, Anthology và Ếch, hâm mộ các bạn quá @};-@};-@};-

Còn Rừng Nauy, cả nhà cảm nhận thế nào khi đọc tác phẩm này???
 
507
0
0

zoe

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Còn Rừng Nauy, cả nhà cảm nhận thế nào khi đọc tác phẩm này???
Được, chị ạ. Cá nhân em thấy sẽ còn được hơn, nếu tựa đề sách không dịch ra là rừng cây :smiling:

Anth: mình không định viết tiếp về cuốn sách của Paul Auster. Mình viết bài này quảng cáo sách cho bạn bè thôi mà, vì nếu viết tiếp sẽ mất hết hồi hộp. Còn phân tích Paul Auster thì mình không biết phân tích, đã từng thử :), nhưng rất thích ông @};-.

Mr_Ech: thêm một người thích "Hãy để ngày ấy lụi tàn" đây.

Trong khi chờ Mr_Ech, zoe mạo muội chuyển sang một đề tài khác. Hôm trước thấy Anth nhắc đến Hồ Biểu Chánh ở HTT, định hỏi sinh viên diễn vở gì vậy, mà nhiều thứ quá quên mất :smiling:. Mình rất thích HBC, cũng không hiểu vì sao thích (thực ra mình hơi biết vì sao mình thích Paul Auster -- vì ông là fan của Edgar Poe :smiling:). Mình muốn biết Hồ Biểu Chánh đóng góp vào sự khởi đầu của văn xuôi Nam Bộ như thế nào vậy ? (nôm na thôi, vì nếu không lại thành mấy cuốn sách mất).

Hồ Biểu Chánh, nhà văn của chủ nghĩa Ái Tình :smiling:. Mình thích giọng văn ông. Ông ngoại mình mà viết văn, chắc cũng viết như thế. Giữa Vô Vi, Vô Khả Vô Bất Khả, Tự cao tự trọng, chủ nghĩa Ái Tính vẫn là trên hết :D. Ngày xưa có bằng Bác Vật (Ecole Polytechnique), coi như là mỹ nhơn theo đầy :D. Giờ chẳng ai theo chủ nghĩa Ái Tình nữa :)


Tài và Tình
Trích nhựt trình Sài gòn ... (Đóa Hoa Tàn, Hồ Biểu Chánh)

Ông Nguyễn Hải Đường là một đấng nhơn tài của Việt Nam, ông ở tại " Chư nghệ Đại học hiệu“ Ba-Lê mà xuất thân, được cấp bằng làm Kỹ sư Bác vật sở Tạo Tác Đông Pháp. Chí tấn thủ với tài học thức của ông làm vẻ vang cho bực thanh niên Nam Việt không biết chừng nào. Tiếc thay cho ông cũng như trăm ngàn đấng thanh niên khác, hễ đa tài thì đa tình, ông cũng bị dây ái tình ràng buộc lôi cuốn vào biển khổ.

Hôm chúa nhựt rồi đây, tôi thăm ông bạn tôi là ông y khoa Tấn sĩ Lê Vĩnh Trị ở Châu Đốc, tình cờ tôi nghe được tâm sự của ông Hải Đường thì tôi lấy làm đau lòng vô hồi. Theo như lời ông bạn tôi nói lại, thì ông Hải Đường từ nhỏ đã có tình với một cô mỹ nữ nào đó, nhưng vì cô chê ông nghèo hèn, không khứng kết tóc trăm năm với ông, nên ông thất vọng mới đi qua Pháp mà học. Ông học thành tài rồi, ông trở về xứ, gắn bó xin kết tóc với cô nữa. Cô quyết một lòng kháng cự, ông năn nỉ thế nào cô cũng không ưng. Lần nầy ông thất vọng mà lại thêm thất chí, không còn ham phú quí công danh gì nữa. Ông đương làm Kỹ sư Bác vật tại Sài Gòn sang trọng sung sướng không ai bì kịp, mà ông không thèm kể, ông xin đổi lên xứ Cao Miên đặng đi coi làm cầu theo đường xe lửa qua ranh Xiêm La. Ông lội trong ruộng, ở trong rừng, dãi nắng dầm mưa, cực nhọc đáo để, mà ông cũng không lấp mạch sầu được.

Ông buồn quá nên sanh tật uống rượu, vì ông tính lấy rượu mạnh mà rửa mối sầu. Gần hai năm nay, phần thì ăn thất thường, ở cực khổ, phần thì ngày như đêm rượu mạnh cứ đốt gan đốt ruột ông, bởi vậy ông phải sanh bịnh, vừa đau trái tim, vừa đau con mắt. Ông phải xin vào nhà thương Nam Vang mà dưỡng bịnh.

Ông bạn của tôi là ông Lê Vĩnh Trị vốn là bạn thiết của Hải Đường hồi ở Ba-Lê, lại chuyên trị bịnh trái tim và con mắt. Ông Trị hay tin ấy mới tuốt lên Nam Vang thăm ông Hải Đường, rồi rước ông về Châu Đốc để tại nhà mà trị bịnh cho ông. Tuy ông Trị hết lòng lo cứu bạn, nhưng mà cho thuốc hơn nửa tháng rồi, bịnh trái tim có giảm, còn cặp mắt của ông Hải Đường vẫn còn lù mù, không thấy đường đi.

Tôi thấy bịnh của ông Hải Đường thì tôi làm tiếc cái tài học của ông hết sức, mà tôi lại ghê gớm cho cái giống ái tình, nó mạnh mẽ đến nỗi giết người được. Cái hại về ái tình mà ông Hải Đường vương mang đó, là cái gương để cho anh em thanh niên xem.
Giáo sư Bùi Đạo Đức :)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
466
0
0

kimsonbui

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

@zoe: ở cái tuổi như em chắc chỉ có em thích Twilight Saga thôi Zoe nhỉ :D
 
507
0
0

zoe

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

@zoe: ở cái tuổi như em chắc chỉ có em thích Twilight Saga thôi Zoe nhỉ :D
Có chị thích nữa nhé, nhưng "thích" kiểu khác với thích Jane Eyre. Tác giả của Twilight bằng tuổi chị, nên sự thích mang tính đồng cảm hơn, như là đọc truyện bạn bè mình viết về thời đi học vậy mà.

PS: hihi, tán láo thêm, do có bạn Anth thích bóng đá nên chắc ko bị coi là spam. Ngày xưa zoe từng nói khi nào Zidan giải nghệ, zoe sẽ thôi ko xem bóng đá nữa vì chẳng nhẽ lại xem trẻ con đá bóng ... hihi :) ... cái này gọi là chuối :)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
354
0
16

Mr_Ech

Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Em thất vọng về mình quá, bao ý tưởng hay ho về "Hãy để ngày ấy lụi tàn" chẳng thể chuyển thành bài viết... Hix, đành chắp vá và gửi đến các bác bài viết sau vậy.


............."...Hãy để ngày ấy lụi tàn, ngày mà tôi sinh ra đời và đêm mà người ta nói rằng đã có một con người được kết thành thai..."

"Vào một ngày chủ nhật, Entơni và Bôp rủ nhau ra sông chơi. Mệt nhoài sau cuộc đua thuyền, chúng nghỉ ở một đoạn bờ có triền đổ dựng xuống dòng sông. Hai đứa ngồi trên một tản đá ngầm nhô lên khỏi mặt nước khoảng ba mươi phân, chúng trần truồng, nhàn nhã, đung đưa chân. Tiết trời đã vào cuối hè, không còn những trận mưa to, nước sông bắt đầu rút. Con sông khá an toàn, tuy thỉnh thoảng có các dòng nước ngầm chảy xiết.
Entơni nằm duỗi dài ra, mặt áp xuống cỏ xanh và đưa mắt nhìn đăm đăm các bụi rậm ở bờ bên kia. Nó khoắng mấy ngón tay trong nước lạnh màu nâu. Gió lạnh, nắng lấp lánh trên mặt nước. Hai con chuồn chuồn đầu xanh, cánh mỏng và nhẹ như tơ bay lượn phía trên người Entơni. Một ánh màu lướt qua, thế là chúng bay mất. Một con chim tincơtinki đậu nhẹ nhàng xuống hòn đá ở gần mặt Entơni. Con chim dùng cái đuôi dài, màu xám giữ thăng bằng.
- Mình xuống sông bơi đây, – Bôp nói. – Trời nóng hơn. Xuống không?
- Không, chưa mà… – Entơni đang nghĩ mung lung, không muốn phá tan cái cảnh yên tĩnh, sự yên tĩnh của dòng sông sâu, cát nâu phía dưới, những dải bùn mềm mại, và phía trên là những cây mimôda rủ xuống, cành đan vào nhau, tạo thành một cái vòm giống như gian giữa của giáo đường nhà thờ.
Nó nằm như vậy một lúc lâu, ngạc nhiên trước cảnh yên lặng. Rồi nó như nghe thấy, một âm thanh ban đầu xa và nhẹ, sau đó gần hơn. Đó là âm thanh của dòng sông.
- Nào, âm thanh đó rì rầm. Hãy đến với các vực nước yên lặng, hãy tránh xa bạn bè mi, nhà mi, đứa em da màu của mi, cái trường học khủng khiếp của mi. Bọn chúng thì thầm và cười ríu rít sau lưng mi. Entơni này…
Dòng nước chảy im lìm ở những nơi sâu, nhưng thỉnh thoảng một mảng bọt đánh dấu sự nhịp nhàng của dòng chảy.
- Lại đây, Entơni!
Khi nó áp một bên má xuống mặt đất, âm thanh đó hình như có thật.
- Entơni, Entơni, lại mau! – Giờ thì âm thanh to hơn nhiều. Nó chống người tựa trên hai khuỷu tay. Nó đã ngủ trong cái nóng ong ong của buổi sáng chăng? Nó lắng nghe, lại có âm thanh. Không, nó không phải mơ màng. Đó là tiếng người gọi.
- Cứu mình với, Entơni, cứu mình vơ… ơ… ới!
Tiếng cuối cùng kéo dài đau đớn, khắc khoải.
Nó lao xuống bờ sông chạy về phía có tiếng kêu. Nó thấy Bôp kẹt dưới một tảng đá ngầm dốc thẳng đứng. Trong mắt của bạn hiện lên vẻ cầu cứu tuyệt vọng.
- Mình bị mắc vào đám cỏ nước, - Bôp kêu to tuyệt vọng.
Suốt đời, Entơni nhớ mãi cái khoảnh khắc đó. Dường như nó vẫn đứng trên bờ sông và quan sát. Nó đưa mắt đảo lên đảo xuống tìm một tảng đá ngầm để từ đó lao vào chỗ nước xoáy vẩn bùn ở bên dưới. Cát ẩm kêu lạo xạo khi nó chạy qua. Một nhành gai chia ra làm thành hai vết xước kéo dài ngang cái đùi để trần của nó; và các vết xước đó lớn thêm khi chúng chuyển từ màu hồng sang màu đỏ, song nó không thấy đau. Nó lấy đà nhảy. Nhưng Bôp lắc đầu điên cuồng hét to hổn hển:
- Đừng! Cậu sẽ bị mắc như mình mất.
Entơni lùi lại, chạy tới một chỗ bờ sông thấp hơn nhiều, rồi lao đầu xuống nước. Nó bơi, vung mạnh chân tay, cố vượt tới chỗ Bôp. Lúc tới nơi, bạn nó đang thở gấp. Entơni để bạn ôm lấy vai và cố gỡ hai chân bị cỏ cuốn, trong khi nó đạp nước dữ dội. Chẳng ăn thua gì.
Nó bèn lặn xuống, và qua làn nước mờ đục nâu nâu, nó thấy một đám cỏ nước cuốn vào nhau đang rung rung. Entơni vật lộn, cố gỡ cỏ quấn chặt hai chân Bôp; không gỡ được, nó lại phải ngoi lên để thở. Nhìn thấy Bôp, tóc ướt loà xoà rũ xuống trán và hai mắt đầy vẻ tuyệt vọng của một kẻ sa bẫy, Entơni lại điên cuồng lặn xuống nước. Nó hết kéo lại giật đám cỏ, nhưng lúc này nó đã mệt nhoài và sức ép của nước làm nó kiệt sức. Mọi nỗ lực của Entơni chỉ làm bật tung được một nhánh cỏ, và rồi phổi lại vỡ tung, nó lại phải ngoi lên.
Tớp những hơi dài không khí, Entơni lặn xuống hai lần nữa mới gỡ được chân Bôp. Trong khi đó, những dải cỏ cuốn chặt vào chân Entơni như những vòi bạch tuộc sung sức.
Thật may mắn cho chúng, cuối cùng toàn bộ cái đám chằng chịt ấy đã bật ra và trôi đi, làm bọt sủi lên rất nhiều trên mặt nước.
Hai đứa bé nổi ngửa người lên hướng về bờ cát nông. Entơni hổn hển cố kéo đứa bạn mệt lả vào bờ…"

..........................************************************************

Biết là sẽ có người lắc đầu ngán ngẩm, “trích dẫn gì mà dài thế” nhưng tôi vẫn muốn trích dẫn cả cái đoạn mà tôi đã được học ngày xưa, khi mà tôi mới học lớp 6, và chương trình thì chưa cải cách đổi mới như bây giờ. Cái đoạn truyện đã khiến tôi say mê, đã cho tôi niềm hứng thú tìm đến “Hãy để ngày ấy lụi tàn” của Gerald Gordon.
Và giờ đây, trước mặt tôi là cuốn truyện ấy. Vẫn tập truyện giấy vàng, dày dặn. Vẫn những xúc cảm xưa…

Hãy để ngày ấy lụi tàn do Gerald Gordon, một luật sư sống ở Nam Phi trong thời kì xuất hiện nạn phân biệt chủng tộc Apathied, viết năm 1952. Bởi thế nên nội dung câu chuyện xoay quanh vấn đề phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Phân biệt chủng tộc, có lẽ vấn đề chính trị ấy quá lớn so với tầm hiểu biết của tôi nên lúc đầu nó không để lại ấn tượng thực sâu sắc trong tôi. Nhưng trong cái xã hội ấy, số phận khổ đau của con người lại được bộc lộ rõ nét. Tôi không muốn đề cập đến những người da đen với những định kiến khinh miệt của người da trắng. Tôi quan tâm tới Entơni và bi kịch tâm hồn của anh. Entơni là đứa con da trắng của người phụ nữ da màu Mery với anh lính da trắng Anh. Với màu da của mình, Entơni cũng được đối xử như những người da trắng mặc dù có không ít miệt thị của những người xung quanh đối với cậu vì màu da của mẹ và của cậu em Xtivơ…

Ngày nhỏ khi mới đọc tác phẩm này, tôi vẫn nghĩ, Entơni là kẻ đáng ghét, bởi không dám thừa nhận đứa em, lo lắng khi nó đến tuổi đi học sẽ học cùng trường mình, sợ người ta nhận ra mình là anh nó; bởi cậu không dám nhận mẹ, xấu hổ mỗi khi có mẹ đi cùng. Đó là những lo lắng trẻ thơ, những cũng là những dấu hiệu đầu tiên của sự chối bỏ nguồn gốc của mình. Và quả nhiên, vì tương lai phía trước của mình Entơni đã bỏ rơi gia đình, bỏ rơi mẹ và em, hoàn toàn xa lánh họ... Nhưng đến khi đọc lại, tôi bỗng nhận ra, Entơni là kẻ trốn chạy đáng thương. Cùng với quá trình trốn chạy ấy, trong Entơni là một bi kịch đớn đau. Bi kịch của kẻ không dám thừa nhận nguồn gốc, bi kịch của kẻ có lòng thương mà không dám bày tỏ... Trong thời gian hầu tòa (vì muốn che giấu em mình mà Entơni đã lỡ tay ngộ sát tên luật sư) Entoni đã ngẫm nghĩ về thân phận của mình, về bức rèm bí mật về cuộc đời mình mà anh đã che giấu bấy lâu nay. Và rồi anh thú nhận hết nguồn gốc của mình. Trong buổi cuối cùng của phiên tòa Entơni đã nói:"Chúng tôi đã bị đem ra xử án từ lâu. Phiên toàn đó đã diễn ra từ trước khi chúng tôi ra đời. Chúng tôi bị xử án vì những hành động của tổ tiên chúng tôi, bị kết tội và bị kết án phải sống trong một thế giới đầy thiên kiến về màu da. Cho dù giờ đây các ngài có tha bổng cho tôi, bản án đó vẫn còn hiệu lực. Nó vẫn còn hiệu lực cho đến khi cuộc sống dưới trần thế của chúng tôi chấm dứt".

Truyện về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nhưng vẫn ẩn chứa trong đó nhiều cái đẹp, nhiều tình cảm sâu đậm lắm: Tình bạn, tình yêu, tình anh em, và cả tình mẹ con nữa… Yêu biết bao những cảnh êm đềm của tình bạn Bôp và Entơni ở cái thị trấn nhỏ của họ, cũng trong sáng, đáng quý lắm chứ cái tình yêu với Ren, ánh mắt dõi theo anh với biết bao tha thiết của cậu em da màu Xtivơ,… Và đặc biệt, là tình yêu của người mẹ da màu khốn khổ đối với đứa con của mình... Nhưng tất cả chỉ vì thiên kiến màu da…

Kết thúc câu chuyện, cuộc sống của Entơni có thể còn nhiều gian truân phía trước, nhưng có lẽ một chân trời mới tốt đẹp hơn sẽ mở ra, như cái kết truyện, thật sáng tươi… “Phía trên những vách đá cheo leo trơ trụi của dãy núi Hà Lan thuộc miền Hôtantô xa xôi, một vệt sáng màu xám lấp lánh, ban đầu còn rụt rè, về sau bạo dạn hơn khi nó hòa lẫn với những màu phấn trải khắp bầu trời. Khắp phương đông đã nhuộm ánh bình minh. Màu hồng chói nhanh chóng chuyển sang màu vàng tươi, và vầng dương tỏa ra một anh sáng yếu ớt dọc theo chân trời.
Anh đã từng ngắm nhiều cảnh bình minh như thế trên dãy núi kia. Giờ đây anh cũng ngắm nhìn, nhưng đôi mắt mệt mỏi của anh không nom thấy màu hồng, màu vàng hay màu hồng đen của các đỉnh núi quanh anh. Đối với anh, đất trời chỉ có một màu duy nhất, đó là màu chì tẻ ngắt chống lại cuộc tấn công của một ngày mới nữa vào tâm hồn anh.
Bất chấp cái đau ê ẩm của đôi chân, anh thong thả đứng lên và đưa mắt xuống vách đá, đăm đăm nhìn những bóng tối đang co lại. Trên vầng trán anh giờ đây đã mất hẳn nét ưu tư, vì so với những cạnh sắc lởm chởm của cuộc đời, những tản đá trong vực thẳm dưới kia tựa như chiếc giường trải đệm lông chim còn êm dịu hơn nhiều”.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
8
0
0

Anthology

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

@ Bạn Zoe: Nói về Hồ Biểu Chánh sau nhé. Hôm nọ sinh viên của Anth chuyển thể cuốn “Cư Kỉnh” của Hồ Biểu Chánh thành bộ phim “Tình án”. Sinh viên của mình đáng yêu và sáng tạo lắm. Còn một nhóm khác thì dựng kịch, lấy một chương trong “Số đỏ”, cũng rất hay.

Lạc đề sang bóng đá một chút. Lúc 16 tuổi mình hâm mộ Klinsman. Khi Klinsman giải nghệ, cứ tưởng mình sẽ không còn mê bóng đá như ngày xưa. Nhưng cuối cùng vẫn mê, chỉ có điều do “hoàn cảnh lịch sử”, nên cũng ít xem hơn. Chắc mình cũng... chuối nhỉ?:D

@ Haidang02: “Rừng Na Uy” thì Anth cũng chỉ… hơi hơi thích thôi::-?. Anth có tán nhảm nhiều về “Rừng Na Uy” trong topic Hội tiểu thuyết.

Nghĩ linh tinh về “Rừng Na Uy”

Không thể phủ nhận Murakami là một trong số vài nhà văn Nhật Bản đương đại được thế giới biết đến nhiều, nhưng cá nhân mình vẫn không thích lối viết của ông cho lắm. Đó là một lối viết ảnh hưởng nhiều các nhà văn phương Tây, ví dụ như F. Scott Fitzgerald với các tác phẩm "Gatsby vĩ đại", "Đẹp và đáng nguyền rủa". Đôi chỗ thì thấy là Murakami cố tình nhại nhà văn Franz Kafka, nhưng không thành công lắm. Vì ảnh hưởng phương Tây nhiều nên tác phẩm của Murakami ít mang tính chất Nhật Bản hơn và cá nhân mình vẫn coi ông là người viết văn ít duy mỹ nhất, đồng thời cũng dễ hiểu nhất trong số các nhà văn Nhật nổi tiếng thời hiện đại. Và dù vậy, mình vẫn thích nhất là "Kafka bên bờ biển" của Murakami. Tuy nhiên, lưu ý là trong nhiều cuộc trả lời phỏng vấn, Murakami vẫn tự cho mình là một nhà văn thuần túy Nhật Bản.

Về nội dung của "Rừng Na Uy" cũng như nhiều tác phẩm khác của ông đã được dịch ra ở Việt Nam, có thể thấy Murakami là nhà văn của thế hệ trẻ, nhưng không phải là của thế hệ trẻ ngày nay mà là thế hệ trẻ của những thập niên 60, 70. Không phải ngẫu nhiên mà "Rừng Na Uy" lại là tên một bài hát khá nổi tiếng của ban nhạc Beatles và câu mở đầu bài hát đã tóm tắt được phần lớn nội dung của "Rừng Na Uy": "I once had a girl, or should I say, she once had me..."

Thế hệ trẻ thập niên 60, 70 là thế hệ gì? Nếu như thế hệ trẻ thập niên 50 tại nhiều nước Âu Mỹ là "thế hệ mất mát", "thế hệ hậu chiến" thì sang thập niên 60, sự mất mát vẫn còn đó, mất mát niềm tin vào con người, mất mát niềm tin vào xã hội, và thêm vào những nổi loạn, bùng nổ, phản kháng. Còn giới trẻ Nhật Bản thì nghĩ gì, làm gì? Họ cô đơn, họ lạc loài trong một thế giới bắt đầu rộng lớn, giống như đoạn kết của tác phẩm, khi nhân vật chính tự hỏi: "Tôi đang ở đâu? Tôi không biết. Không biết một tí gì hết. Đây là nơi nào? Tất cả những gì đang lướt nhanh qua mắt tôi chỉ là vô số những hình nhân đang bước đi về nơi vô định nào chẳng biết".

"Rừng Na Uy" chỉ tập trung vào việc diễn tả tâm trạng đặc biệt ấy, và tất cả những chuyện tình yêu trong "Rừng Na Uy" chỉ nhằm để làm nổi bật tâm trạng vô định của nhân vật. Mà tâm trạng này thì có thể tìm thấy trong vô số những tiểu thuyết của nhiều nhà văn phương Tây khác.

Còn người Trung Quốc đương đại thích "Rừng Na Uy" vì một lẽ đơn giản thôi. Thế hệ trẻ thập niên 60, 70 của Nhật Bản quá khác biệt với thế hệ trẻ cùng thời của Trung Quốc. Khi ấy ở Trung Quốc đang diễn ra "Cách mạng văn hóa" và những hệ lụy của nó còn dai dẳng mãi đến sau này, thành ra một dòng văn học được gọi là "phản tỉnh" của Trung Quốc hồi thập niên 80.
 
507
0
0

zoe

New Member
Ðề: Những cuốn sách yêu thích

Vì ảnh hưởng phương Tây nhiều nên tác phẩm của Murakami ít mang tính chất Nhật Bản hơn và cá nhân mình vẫn coi ông là người viết văn ít duy mỹ nhất, đồng thời cũng dễ hiểu nhất trong số các nhà văn Nhật nổi tiếng thời hiện đại.
Đã bàn về Murakami với Anth rồi, lại tán tiếp. Công nhận Murakami dễ hiểu :smiling:, so với các nhà văn Nhật.

Không phải ngẫu nhiên mà "Rừng Na Uy" lại là tên một bài hát khá nổi tiếng của ban nhạc Beatles và câu mở đầu bài hát đã tóm tắt được phần lớn nội dung của "Rừng Na Uy": "I once had a girl, or should I say, she once had me..."
Đúng là Murakami dùng cái motip "cũ" (ko biết dùng từ motip ở đây có đúng ko nhỉ) -- một bài hát nổi tiếng của một thế hệ. Ngoài lề chút, nhiều fan hay "chuyên gia" về Beatles cho rằng "a girl" ở đây là nói về drug, cũng như tên bài hát chính là từ lóng chỉ thứ đó. Nhiều bài hát khác của Beatles cũng dùng ẩn dụ như thế. Rock, drug culture, hippies là những điều gần như gắn liền ở thời điểm đó (và cả về sau, trừ hippies), đó là một thế hệ trẻ đi tìm ý nghĩa cuộc đời ở một thế giới ảo. Ngoài sự ảnh hưởng mất mát của chiến tranh TG, còn có sự chán ngán thất vọng về cuộc chiến tranh lạnh đang diễn ra.

Tuy nhiên mình nghĩ với bạn đọc phương Tây, ông vẫn có chút Nhật, vì ông nói nhiều về cái chết. Cái chết như một sự giải thoát chính đáng, được tôn trọng, khi cuộc đời không thật sự còn ý nghĩa. Điều này khá xa lạ với phương Tây.

Còn về nét chung với văn học phương Tây, cũng một phần vì "hoàn cảnh lịch sử" :smiling:. Những năm 60 là thời gian phong trào sinh viên ở Nhật rất mạnh, như ở phương Tây lúc bấy giờ. Họ chống chiến tranh, chống sự có mặt của quân đội Mỹ ở Nhật (và song song là sự ngưỡng mộ văn hóa phương Tây và sự Tây hóa). Nên cuốn sách cũng có điều gì đó khá Nhật, đại diện cho một nhóm người Nhật. Một điều mình thấy thú vị là ở nhiều trường ĐH (trong ngành kỹ thuật), người Nhật đi học ở nước ngoài ít khi quay về Nhật làm việc, và đồng thời rất nhiều người chọn học trong nước hoàn toàn. Cá nhân mình nghĩ rằng, điều này cũng phần nào thể hiện sự ảnh hưởng của phương Tây chỉ lên từng nhóm người và mức độ rất phong phú, chứ không như ở VN hay TQ :smiling:

@Cả nhà: Nói về apartheid, mình rất thích truyện Kaffir boy của Mark Mathabane. Sự thay đổi nhận thức của con người về điều này biến chuyển khá nhanh gần đây, sau một thời gian dài như vô tận của sự phân biệt. Mình vẫn nhớ một ví dụ trong cuốn sách (về tôn giáo :D) của Huston Smith. Những năm 30, tàu điện ở San Francisco không "thèm" dừng lại bến đỗ, nếu chỉ có người Á và Phi đứng đợi. Chỉ 20 năm sau đó, rất nhiều giáo sư ở các trường ĐH lớn của Mỹ là người châu Á, và bây giờ ai làm như thế là ... có chuyện với pháp luật ngay :smiling:

PS: Anth, avatar cũ nhé :rose:
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Top