Ðề: Đồ chơi cho con
Đồ chơi trẻ em trên thị trường: Làm sao biết có an toàn hay không?
Theo thông tư về việc ban hành và thực hiện “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em” của Bộ KHCN thì kể từ ngày 15/4/2010, tất cả các loại đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước hay nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy. Thế nhưng cho đến thời điểm này các đồ chơi trẻ em bày bán trên thị trường không hề có dán tem CR (tem đạt tiêu chuẩn chất lượng), các thông tin trên mỗi sản phẩm đồ chơi đều rất mập mờ...
Dạo qua các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trên các phố Lương Văn Can, phố Chả Cá, phố Hàng Mã hay chợ Đồng Xuân, những nơi được coi là phố đồ chơi, có thể thấy la liệt nhiều mặt hàng đồ chơi trẻ em. Các đồ chơi ở đây đủ các chủng loại, với nhiều hình thù, màu sắc bắt mắt: ô tô, siêu nhân, búp bê, các đồ chơi lắp ráp, đồ chơi xếp hình, nấu ăn, bác sĩ...
Đa số đồ chơi bán trên thị trường Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Các đồ chơi ở đây chủ yếu là hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Trên các sản phẩm đồ chơi này không hề có dán nhãn mác hàng hóa theo quy định. Các thông tin, chỉ dẫn về sản phẩm lại càng không. Anh Nam, chủ một cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trên chợ Đồng Xuân cho biết giá các loại đồ chơi nhập từ Trung Quốc này rất rẻ, người mua chỉ mất 10 ngàn là đã có một món đồ chơi là chiếc di động nhựa cho con em mình. Đồ chơi đắt tiền nhất tại cửa hàng cũng chỉ có giá không quá 100 ngàn.
Thông tin chỉ dẫn về sản phẩm rất ít, nhiều sản phẩm không có. Một số đồ chơi như búp bê babi, lắp ráp, bác sĩ... chỉ có một vài dòng chữ tiếng Anh với nội dung cảnh báo như: trẻ em dưới 3 tuổi không được sử dụng đồ chơi này. Hay trên một số đồ chơi có các ký hiệu như: 3+, 4+, 5+,6+, 6y+ với hàm ý đồ chơi này dành cho trẻ em từ ba tuổi, bốn tuổi, năm tuổi, sáu tuổi trở lên hay dành cho các bé gái từ 6 tuổi trở lên còn ngoài ra không có bất kỳ thông tin nào khác. Khi được hỏi làm sao biết được đồ chơi nào phù hợp với từng lứa tuổi cụ thể, một chị bán hàng tại phố Lương Văn Can cho biết nếu cháu nhà chị thông minh thì mua đồ chơi ở tuổi nào cũng chơi được hết. Khi được hỏi chị có biết quy định mới của Bộ Khoa học và Công nghệ về quy chuẩn an toàn đối với đồ chơi trẻ em chỉ được lưu thông và bán trên thị trường sau khi có chứng nhận quy chuẩn hay không thì chủ hàng trả lời rất tự nhiên “từ trước đến giờ đồ chơi bán cho các cháu có chết ai đâu, nhiều người bán chứ có riêng mình tôi đâu...?!”.
Theo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em”, các loại đồ chơi khi lưu thông trên thị trường bất kể là đồ chơi sản xuất trong nước hay nhập khẩu đều phải có dán nhãn mác, phải đảm bảo yêu cầu quy định về kỹ thuật như: yêu cầu về chống cháy, yêu cầu về hóa học, giới hạn về chất hữu cơ độc hại, các yêu cầu đối với đồ chơi dùng điện. Nhưng với các đồ chơi nhập lậu, không rõ nguồn gốc nhập từ Trung Quốc này thì rất khó để nhận biết được mức độ an toàn của nó đến đâu.
Người bán chỉ quan tâm đến lợi nhuận, còn người mua thì lại biết quá ít thông tin về sản phẩm đồ chơi mà họ mua. Và quan trọng hơn phải có cơ quan chức năng, kiểm tra giám sát thật chặt chẽ trong việc các đồ chơi cho trẻ em phải đảm bảo quy chuẩn quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em... Cho đến thời điểm này, các thượng đế nhí vẫn đang hàng ngày tiếp xúc với đồ chơi mà bản thân chúng không hề biết liệu nó có gây độc hại gì cho sức khỏe hay không, câu trả lời lời xin dành cho các cơ quan chức năng xử lý?
SK&ĐS